Nội dung Kinh tế chính trị Mác-Lênin

NGUYỄN VĂN BÁCH
10/13/2024

Kinh tế chính trị Mác-Lênin là khoa học nghiên cứu quan hệ giữa con người với con người trong quá trình sản xuất của cải vật chất của xã hội. Nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, chỉ rõ bản chất bóc lột của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa; những quy luật kinh tế chủ yếu hình thành, phát triển và đưa chủ nghĩa tư bản tới chỗ diệt vong. Nghiên cứu những quy luật phát triển của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, xây dựng một xã hội không có áp bức, bất công, vì tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người.

Kinh tế chính trị học Mác- Lênin gồm 2 nội dung chủ yếu: (1)Lý luận về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; (2)Dự báo về một số đặc điểm của nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa.

1. Lý luận về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa

Nghiên cứu quá trình sản xuất của tư bản, C.Mác đã xây dựng lý luận giá trị lao động thật sự khoa học. Đặc biệt, với phát hiện mới về tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa, C.Mác đã luận giải một cách khoa học về nguồn gốc của giá trị sử dụng và giá trị hàng hóa. C.Mác phân tích nguồn gốc, bản chất của tiền tệ, luận giải quy luật lưu thông tiền tệ, xác định các nhân tố ảnh hưởng đến khối lượng tiền cần thiết trong lưu thông. Nghiên cứu về kinh tế hàng hóa, C.Mác chỉ ra bản chất sản xuất tư bản chủ nghĩa là tạo ra giá trị thặng dư. Trên cơ sở xây dựng lý luận hàng hóa sức lao động, C.Mác chỉ ra nguồn gốc, bản chất của giá trị thặng dư là do sức lao động của người công nhân làm thuê sáng tạo ra; luận giải khoa học bản chất bóc lột của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Để làm rõ bản chất của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác còn phân tích trình độ và quy mô bóc lột của tư bản; chỉ ra các phương pháp làm tăng giá trị thặng dư và quá trình tích lũy tư bản làm cho tư bản không ngừng lớn lên.

 Cùng với quan niệm duy vật về lịch sử, Ph.Ăngghen coi học thuyết giá trị thặng dư là phát minh vĩ đại thứ hai của C.Mác: “Không phải chỉ có tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người, Mác cũng tìm ra quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra. Với việc phát hiện ra giá trị thặng dư trong lĩnh vực này thì lập tức một ánh sáng đã hiện ra trong khi tất cả các công trình nghiên cứu trước đây của các nhà kinh tế học tư sản cũng như của các nhà phê bình xã hội chủ nghĩa vẫn đều mò mẫm trong 

bóng tối”4. 

Cho đến nay, các học giả tư sản vẫn không thể bác bỏ được mà còn phải thừa nhận học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác. Học thuyết giá trị thặng dư của Mác vẫn là học thuyết kinh tế quan trọng khi nguyên cứu về chủ nghĩa tư bản. Nó có một ý nghĩa thời đại sâu sắc mà chúng ta cần biết khai thác, vận dụng để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghiên cứu quá trình lưu thông của tư bản, C.Mác phân tích về quá trình tuần hoàn và chu chuyển của tư bản; làm rõ tư bản cố định, tư bản lưu động và chỉ ra phương thức chu chuyển giá trị của chúng; phân tích sự hao mòn của tư bản cố định. 

Ngoài ra, C.Mác còn nghiên cứu tái sản xuất tư bản xã hội; sự trao đổi giữa hai khu vực của nền sản xuất xã hội và các điều kiện thực hiện sản phẩm trong tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng tư bản xã hội. Đây là cơ sở khoa học cho nhận thức về tính cân đối trong phát triển kinh tế và các quy luật của tái sản xuất mở rộng trên phạm vi toàn xã hội trong nền kinh tế thị trường.

Nghiên cứu toàn bộ quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác chỉ ra các hình thái cụ thể trong quá trình vận động của tư bản. Đó là sự chuyển hóa của giá trị thặng dư và tỷ suất giá trị thặng dư thành lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận; sự vận động chuyển hóa của quy luật giá trị thành giá cả sản xuất và quy luật giá trị thặng dư thành quy luật lợi nhuận bình quân. Phân tích khoa học sự phân phối giá trị thặng dư cho các nhà tư bản kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau dưới hình thức lợi nhuận công nghiệp, lợi nhuận thương nghiệp, lợi tức cho vay và địa tô tư bản chủ nghĩa.

Như vậy, lý luận kinh tế chính trị Mác- Lênin đã vạch rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản, đó là quan hệ bóc lột của tư bản đối với lao động làm thuê bằng hình thức bóc lột giá trị thặng dư. Đồng thời, C.Mác đã vạch rõ quá trình vận động của tư bản chủ nghĩa, đó là quá trình phát sinh, phát triển và tất yếu diệt vong của nó. C.Mác khẳng định: phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa không phải là phương thức tồn tại vĩnh viễn, mà nó chỉ là một giai đoạn lịch sử đặc biệt và tất yếu được thay thế bằng một xã hội mới cao hơn, tốt đẹp hơn, đó là chủ nghĩa cộng sản.

2. Dự báo về một số đặc điểm của nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa

C.Mác đã chỉ ra nguyên lý về thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời, C.Mác dự báo về sự phân kỳ trong sự phát triển của hình thái kinh tế cộng sản chủ nghĩa và đặc điểm của các giai đoạn phát triển đó. C.Mác dự báo về vấn đề phân phối trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa, đó là “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”. Khi chuyển sang giai đoạn cao của xã hội cộng sản, 

Mác chỉ rõ: cùng với sự phát triển của xã hội xã hội chủ nghĩa, sức sản xuất xã hội được phát triển, trình độ văn hóa được nâng cao… thì tất yếu phải chuyển sang nguyên tắc phân phối mới là “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Đó là lúc xã hội có thể sản xuất ra sản phẩm tiêu dùng dồi dào đến mức không cần dùng phân phối lợi ích vật chất để kích thích lao động.

3. V.I.Lênin đã có những cống hiến vô cùng to lớn trong việc bảo vệ và phát triển kinh tế chính trị học mác-xít

Trên cơ sở thực tiễn phát triển của chủ nghĩa tư bản, V.I.Lênin đã bổ sung và phát triển về chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, lý luận về tái sản xuất tư bản xã hội. 

Đặc biệt, trong lý luận tái sản xuất tư bản xã hội, khi tính tới ảnh hưởng của tiến bộ khoa học- kỹ thuật làm cho cấu tạo hữu cơ của tư bản không ngừng tăng lên trong quá trình tái sản xuất mở rộng, V.I.Lênin đã phát hiện ra quy luật ưu tiên phát triển sản xuất tư liệu sản xuất- quy luật kinh tế quan trọng của nền kinh tế hiện đại.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi chủ nghĩa tư bản phát triển sang giai đoạn mới, V.I.Lênin đã sáng tạo ra lý luận khoa học về chủ nghĩa tư bản độc quyền.

V.I.Lênin cho rằng, chủ nghĩa tư bản độc quyền là sự chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, là nấc thang phát triển cao của chủ nghĩa tư bản và chỉ rõ 5 đặc điểm kinh tế của chủ nghĩa tư bản độc quyền, đó là: (1)Sự tích tụ sản xuất và các tổ chức độc quyền; (2)Tư bản tài chính và bọn đầu sỏ tư bản tài chính; (3)Xuất khẩu tư bản; (4)Sự phân chia thế giới về kinh tế giữa các liên minh tư bản độc quyền; (5)Sự phân chia thế

giới về lãnh thổ giữa các cường quốc đế quốc. Những đặc điểm này vạch rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn mới. 

Đồng thời, V.I.Lênin chỉ ra bản chất, nguyên nhân hình thành và hình thức biểu hiện của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, cùng với xu hướng vận động của nó.

Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, là sự kết hợp hay dung hợp sức mạnh của các tổ chức độc quyền tư nhân với sức mạnh của nhà nước tư sản thành một cơ chế thống nhất, trong đó nhà nước tư sản bị phụ thuộc vào các tổ chức độc quyền và can thiệp vào quá trình kinh tế nhằm bảo vệ lợi ích của các tổ chức độc quyền và cứu nguy cho chủ nghĩa tư bản. Một trong những hình thức biểu hiện quan trọng của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là sự tham gia của nhà nước tư sản vào quá trình kinh tế. 

Hệ thống điều tiết kinh tế của nhà nước tư sản là tổng thể những thể chế và thiết chế kinh tế của nhà nước tư sản. Nó bao gồm bộ máy quản lý gắn với hệ thống chính sách, công cụ có khả năng điều tiết sự vận động của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, toàn bộ quá trình tái sản xuất xã hội theo hướng có lợi cho tư sản độc quyền. Các công cụ chủ yếu nhà nước tư sản dùng để điều tiết nền kinh tế và thực hiện các chính sách kinh tế là: ngân sách, thuế, hệ thống tiền tệ tín dụng, các doanh nghiệp nhà nước...

Những biểu hiện mới của chủ nghĩa tư bản độc quyền và độc quyền nhà nước:

Việc xuất khẩu tư bản là sự mở rộng quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ra nước ngoài, là công cụ chủ yếu để bành trướng sự thống trị, bóc lột, nô dịch của tư bản tài chính trên phạm vi toàn thế giới. Chủ thể phân chia thị trường thế giới không chỉ có các tổ chức độc quyền quốc gia mà bên cạnh đó còn có các nhà nước tư sản phát triển và đang phát triển. Kết quả của việc phân chia kinh tế thế giới hình thành các liên minh và các khối liên kết khu vực.

Học thuyết đã chỉ ra sự chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa tư bản độc quyền và độc quyền nhà nước; vai trò và giới hạn lịch sử của chủ nghĩa tư bản. Từ sự phân tích những đặc trưng kinh tế chính trị của chủ nghĩa tư bản độc quyền, V.I.Lênin đã rút ra những kết luận về vị trí lịch sử của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn phát triển mới của nó: giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Đó là giai đoạn cuối cùng của chủ nghĩa tư bản, đêm trước cách mạng xã hội chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa là, chủ nghĩa đế quốc nhất định sẽ bị thay thế bởi chủ nghĩa xã hội, nhưng quá trình thay thế đó là một quá trình đấu tranh quyết liệt, quanh co khúc khuỷu, có cao trào và có thoái trào chứ không phải là một quá trình trơn tru, thẳng tắp.

Tóm lại, Kinh tế chính trị Mác- Lênin là khoa học rất quan trọng trong đời sống xã hội, ngoài việc chỉ ra bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản, nó giúp chúng ta thấy được bản chất của các hiện tượng và quá trình kinh tế, nắm được các quy luật kinh tế chi phối sự vận động và phát triển kinh tế; phát triển lý luận kinh tế và vận dụng lý luận đó vào thực tế, hành động theo quy luật, tránh bệnh chủ quan, giáo điều, duy ý chí. Kinh tế chính trị cung cấp các luận cứ khoa học làm cơ sở cho sự hình thành đường lối, chiến lược phát triển kinh tế xã hội và các chính sách, biện pháp kinh tế cụ thể phù hợp với các yêu cầu của các quy luật khách quan và điều kiện cụ thể của đất nước ở từng thời kì nhất định. Là công cụ cần thiết không chỉ cho các nhà quản lý vĩ mô mà còn rất cần cho quản lý sản xuất kinh doanh ở doanh nghiệp của mọi tầng lớp dân cư, ở tất cả các thành phần kinh tế. Kinh tế chính trị là phương tiện giúp ta hiểu rõ tính đúng đắn, khoa học, sáng tạo về chủ trương, đường lối, chính sách kinh tế cụ thể của Đảng và Nhà nước ta qua các thời kì phát triển đất nước.

4 Các Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.19, tr.500

Xem thêm