Nội dung cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học là nghiên cứu: Sứ mệnh lịch sử của giai nhân cấp công nhân và cách mạng xã hội chủ nghĩa; Những vấn đề chính trị- xã hội có tính quy luật trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa; Chủ nghĩa xã hội hiện thực và triển vọng.
1. Học thuyết về chủ nghĩa xã hội
Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội là một xã hội có cơ sở vật chất-kỹ thuật là nền đại công nghiệp; xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất; tạo ra được cách tổ chức lao động và kỷ luật lao động mới; thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động, coi đó là nguyên tắc căn bản nhất; nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, có tính nhân dân rộng rãi, có tính dân tộc sâu sắc; thực hiện sự giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột; thực hiện bình đẳng xã hội, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện.
Trên cơ sở quy luật sự phát triển của những hình thái kinh tế- xã hội là một quá trình lịch sử- tự nhiên, tính tất yếu thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội, sự ra đời của chủ nghĩa xã hội và sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản là tất yếu như nhau.
Những dự báo về đặc trưng cơ bản, về cách thức, khả năng thực hiện chủ nghĩa xã hội là quá trình của kết quả phát triển tích hợp những điều kiện cụ thể và cần thiết về kinh tế, chính trị và văn hoá- xã hội khác nhau chín muồi khách quan, chứ không phải theo ý muốn chủ quan ở các quốc gia, dân tộc.
2. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
Từ cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử, cho thấy, nguồn gốc sâu xa của sự phát triển xã hội là sự đấu tranh giữa các mặt đối lập nằm ngay trong lòng của xã hội, trước hết là sự đấu tranh giữa lực lượng sản xuất mới với quan hệ sản xuất cũ đã lỗi thời, đang kìm hãm sự phát triển của nó. Trong xã hội có giai cấp đối kháng thì sự đấu tranh giữa lực lượng sản xuất mới với quan hệ sản xuất cũ được thể hiện thành cuộc đấu tranh giữa giai cấp đại diện cho lực lượng sản xuất mới và giai cấp đại diện cho quan hệ sản xuất cũ. Cuộc đấu tranh giữa các giai cấp đối kháng sẽ dẫn đến cách mạng xã hội, tức là dẫn đến bước nhảy vọt về chất trong sự phát triển của xã hội.
Trong xã hội tư bản, C.Mác đã tìm thấy một lực lượng xã hội đảm nhận vai trò và sứ mệnh của mình, đi tiên phong trong cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội loài người và giải phóng từng con người khỏi áp bức, bóc lột và sự nô dịch của chủ nghĩa tư bản, tiến tới xã hội cộng sản văn minh.
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã đem lại cho giai cấp đó ý thức về địa vị bản thân mình và yêu cầu mình, ý thức về điều kiện để giải phóng mình. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, đã làm rõ tiêu chí xác định thế nào là giai cấp vô sản: đó là những người lao động trực tiếp hay gián tiếp và vận hành các công cụ sản xuất có tính chất công nghiệp. Mác và Ăngghen cho rằng: “Tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”5.
Sở dĩ giai cấp công nhân có vai trò, sứ mệnh lịch sử ấy là vì nó là con đẻ của nền sản xuất hiện đại- đại diện cho tính xã hội hóa của lực lượng sản xuất và cũng đại biểu cho quan hệ sản xuất mới, phù hợp với lực lượng sản xuất, tức là đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, phù hợp trào lưu tiến hoá của lịch sử. Chỉ có giai cấp công nhân mới có tính cách mạng triệt để vì nó không có lợi ích riêng với chế độ tư hữu, nó tìm thấy lợi ích chân chính của mình khi phấn đấu cho lợi ích toàn xã hội.
Muốn thực hiện được vai trò và sứ mệnh của mình, giai cấp vô sản phải liên minh với giai cấp nông dân, phải thành lập ra đảng của mình, độc lập với tất cả các đảng khác, đủ sức lãnh đạo cuộc đấu tranh vĩ đại của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Đảng đó phải là đội tiên phong của giai cấp tiên phong, tiên phong cả về nhận thức- tư tưởng- lý luận- chính trị và cả trong hành động- trong hoạt động thực tiễn. Đảng đó phải tổ chức và hoạt dộng theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thường xuyên kiểm điểm, tự phê bình và quan hệ mật thiết với quần chúng...
Phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, đem lại lời giải thích khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân, trở thành tư tưởng cốt lõi lý luận chính trị, tạo chuyển biến nhảy vọt của tư tưởng xã hội chủ nghĩa, từ không tưởng trở thành khoa học của chủ nghĩa Mác. V.I. Lênin đánh giá: “Điểm chủ yếu trong học thuyết của Mác là ở chỗ nó làm sáng rõ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”6.
5 Các Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.610.
6 V.I.Lênin toàn tập, tập 23, 1980, Nxb. Macxcova, tr.1.