Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng

NGUYỄN VĂN BÁCH
7/20/2024

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Những điểm mới về nội dung
Một là, về quyền được thông tin của đảng viên, Quy định số 24-QĐ/TW bổ sung hình thức thông tin đột xuất: Định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất, theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và cấp ủy cấp trên, các cấp ủy đảng thông tin cho đảng viên về tình hình, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị,…
Hai là, ở Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25-7-2016, người vào Đảng có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên, thì nay, theo Quy định số 24-QĐ/TW, người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.
Ba là, bổ sung một số quy định mới về kết nạp đảng viên. Theo Điều 4, mục 3.2. (Khoản 2): Đảng viên giới thiệu người vào Đảng.
3.2.1. Là đảng viên chính thức, cùng công tác, lao động, học tập hoặc cùng sinh hoạt nơi cư trú ít nhất 12 tháng với người được giới thiệu vào Đảng trong cùng một đơn vị thuộc phạm vi lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở. So với Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25-7-2016, Quy định số 24 bổ sung trường hợp đảng viên chính thức cùng sinh hoạt nơi cư trú với người vào Đảng ít nhất 12 tháng.
Theo Điều 4, mục 3.4. (Khoản 4): Việc kết nạp người vào Đảng ở nơi chưa có đảng viên, chưa có chi bộ.
3.4.1. Cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng (nơi người vào Đảng công tác, lao động, học tập, cư trú) giao cho chi bộ có điều kiện thuận lợi nhất để phân công đảng viên chính thức giúp đỡ người vào Đảng. Khi có đủ điều kiện và tiêu chuẩn thì chi bộ nơi có đảng viên giúp đỡ người vào Đảng đang sinh hoạt làm thủ tục đề nghị kết nạp theo quy định.
Quy định này nhằm khắc phục những bất cập trong thực tế hiện nay, vì  Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25-7-2016, chưa đề cập tới vấn đề: Quần chúng ưu tú làm việc tại những tổ chức, doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng thì trách nhiệm bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng đó vào Đảng là do tổ chức đảng nơi nào tiến hành; nơi quần chúng ưu tú đó cư trú hay nơi họ đang làm việc? Ngoài ra, theo Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng thì: “Quy định về điều kiện của người giới thiệu, giúp đỡ quần chúng vào Đảng trong thực tế đang gặp một số vướng mắc trong Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an như: Thời gian để người giúp đỡ quần chúng vào Đảng theo quy định phải cùng công tác với người xin vào Đảng tối thiểu 12 tháng, dẫn đến việc kết nạp đảng viên là chiến sĩ nghĩa vụ (24 tháng) trong Quân đội, Công an gặp khó khăn, do sau thời gian huấn luyện phải chuyển đến đơn vị mới nên không bảo đảm thời gian 12 tháng để cấp ủy phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ”(5).
Quy định số 24-QĐ/TW đã tháo gỡ vướng mắc này, bằng cách ghi rõ theo Điều 4 (Khoản 4): mục 3.4.1. “Cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng (nơi người vào Đảng công tác, lao động, học tập, cư trú) giao cho chi bộ có điều kiện thuận lợi nhất để phân công đảng viên chính thức giúp đỡ người vào Đảng”.
Bốn là, Quy định số 24-QĐ/TW bổ sung đối tượng kết nạp lại người vào Đảng; đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình thì thực hiện theo quy định của Ban Bí thư.
Phần sửa đổi này là nhằm điều chỉnh bất cập trong kết nạp lại người vào Đảng đối với đảng viên vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Điều này là hợp lý trong tình hình hiện nay, khi chính sách dân số đã có những thay đổi. Tuy nhiên, Quy định số 24-QĐ/TW quy định rõ về trường hợp này, thay vì dẫn chiếu sang quy định của Ban Bí thư là cần thiết, vì nếu cùng quy định về việc kết nạp lại đảng viên nhưng một số trường hợp thì thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương, trường hợp khác lại thực hiện theo quy định của Ban Bí thư là chưa hợp lý và nhất quán.
Năm là, bổ sung trường hợp kết nạp người vào Đảng và công nhận đảng viên chính thức sai quy định, nhưng khi phát hiện ra thì tổ chức đảng đó đã giải thể hoặc giải tán. Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25-7-2016, chưa dự liệu đến tình huống này, nên Quy định số 24-QĐ/TW đã bổ sung, theo Điều 5, mục 4.4.1. “Trường hợp tổ chức đảng đã giải thể, giải tán thì cấp ủy có thẩm quyền nơi người vào Đảng đang sinh hoạt tiến hành thẩm tra, xác minh và làm lại các thủ tục theo quy định”.
Sáu là, về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, mà cụ thể là xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy và tổ chức đảng. Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25-7-2016, nêu: Căn cứ vào Điều lệ Đảng và quy chế làm việc của cấp ủy cấp trên, các cấp ủy đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy phải xây dựng quy chế làm việc,…; nay Quy định số 24-QĐ/TW đã bổ sung: Căn cứ vào Điều lệ Đảng, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy và quy chế làm việc của cấp ủy cấp trên, các cấp ủy đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy phải xây dựng quy chế làm việc,… Quy định số 24-QĐ/TW bổ sung, ngoài căn cứ là Điều lệ Đảng thì còn có các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các chủ thể có trách nhiệm xây dựng quy chế làm việc.
Bảy là, về thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Quy định số 24-QĐ/TW bổ sung nội dung “kiểm điểm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Đối với nội dung thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình cuối nhiệm kỳ đại hội, bổ sung nội dung “thực hiện các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”.
Tám là, việc đề cử và bầu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên. Quy định số 24-QĐ/TW diễn đạt lại mục 11.4.1: Chỉ được đề cử đại biểu chính thức của đại hội để bầu làm đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên. Theo Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25-7-2016 là: 11.4.a- Việc đề cử đại biểu để bầu làm đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên chỉ thực hiện đối với đại biểu chính thức của đại hội. Quy định số 24-QĐ/TW thay cụm từ “xin rút” thành “xin không tham dự đại hội”; trường hợp đại biểu chính thức (do bầu cử) xin không tham dự đại hội mà được cấp ủy triệu tập, đại hội đồng ý, thì được cử đại biểu dự khuyết thay thế.
Quy định số 24-QĐ/TW viết lại mục d. của Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25-7-2016, theo hướng tách riêng thành 1 mục về cử đại biểu dự khuyết như sau:
Theo Điều 11: mục11.4.4. “Không được cử đại biểu dự khuyết thay thế đại biểu chính thức trong các trường hợp sau: a) Đại hội cấp dưới bầu không đủ số lượng đại biểu chính thức được phân bổ. b) Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội vắng mặt suốt thời gian đại hội. c) Đại biểu chính thức bị bác tư cách. Đại biểu chính thức vắng mặt suốt thời gian đại hội mà không có đại biểu dự khuyết thay thế, thì không tính vào tổng số đại biểu được triệu tập dự đại hội khi tính kết quả bầu cử”.
Chín là, về lập các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp ủy, Quy định số 24-QĐ/TW bổ sung: “Đảng bộ cấp trên trực tiếp tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương: Các cơ quan tham mưu, giúp việc của đảng ủy hợp nhất với các cơ quan chuyên môn của doanh nghiệp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để thực hiện công tác kiểm tra, tổ chức, tuyên giáo và văn phòng”. Bổ sung quy định như trên là hoàn toàn hợp lý, sát với thực tiễn và phù hợp với mô hình hoạt động của các tổ chức cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương hiện nay là loại hình tổ chức đảng không có chính quyền cùng cấp.
Quy định số 24-QĐ/TW biên tập lại mục 17.3. về việc lập các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp ủy cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể hơn theo từng cấp. Nếu như Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25-7-2016, chỉ ghi: Ở cấp Trung ương, giao Ban Tổ chức Trung ương quản lý; ở cấp tỉnh, cấp huyện, giao ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy quản lý, định kỳ báo cáo Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương) thì nay Quy định số 24-QĐ/TW ghi rõ:
Theo Điều 14: mục 17.3. “Cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam).
17.3.1. Ở cấp Trung ương do Bộ Chính trị quyết định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và giao Ban Tổ chức Trung ương tham mưu quản lý.
17.3.2. Ở cấp tỉnh, cấp huyện do Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế; ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý, định kỳ báo cáo Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương)”.
Điểm mới ở đây là có sự phân cấp rõ ràng và hợp lý hơn: Ở cấp Trung ương do Bộ Chính trị quyết định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và giao Ban Tổ chức Trung ương tham mưu quản lý. Quy định này nhấn mạnh, Bộ Chính trị mới là cấp trên của các tổ chức nêu trên và chỉ rõ vai trò của Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan được Bộ Chính trị giao tham mưu quản lý.
Cũng tương tự như vậy, ở cấp tỉnh, cấp huyện do Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế; ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý, định kỳ báo cáo Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương).
Mục 17.3 bổ sung 1 điểm mới là: Không thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của tổ chức cơ sở đảng. Những đảng bộ cơ sở mà đảng ủy được giao quyền hoặc thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở thực hiện theo tiết a, Điểm 10.5.2 của Quy định này. Lý do là Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 29-9-2016, của Ban Bí thư quy định cụ thể: Tổ chức cơ sở đảng không thành lập cơ quan chuyên trách giúp việc.
Quy định số 24-QĐ/TW chỉnh sửa lại khổ cuối như sau: Ban Tổ chức Trung ương có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, định kỳ báo cáo Ban Bí thư về tổ chức bộ máy và biên chế của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp nêu trên; chủ trì, phối hợp với các ban và cơ quan của Đảng ở Trung ương hướng dẫn hoạt động của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp ủy địa phương.
Mười là, Quy định số 24-QĐ/TW biên tập lại nội dung quy định đảng ủy cơ sở được ủy quyền quyết định kết nạp và khai trừ đảng viên. Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25-7-2016, nêu theo phương pháp định tính là: Được công nhận đạt tiêu chuẩn đảng bộ trong sạch, vững mạnh, thì cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, ra quyết định ủy quyền cho đảng ủy cơ sở quyền quyết định kết nạp đảng viên và thi hành kỷ luật khai trừ đảng viên. Nay Quy định số 24-QĐ/TW yêu cầu khi ủy quyền cần theo phương pháp định lượng là:
Theo Điều 23: mục 21.1. “Các đảng bộ cơ sở ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang có trên 100 đảng viên và được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ 3 năm liên tục trở lên, có thể được cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, ra quyết định ủy quyền cho đảng ủy cơ sở quyền quyết định kết nạp đảng viên, thi hành kỷ luật khai trừ đảng viên”.
Mười một là, Quy định số 24-QĐ/TW chỉnh sửa, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, đối tượng được tặng Huy hiệu Đảng. Theo Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25-7-2016, việc truy tặng sớm Huy hiệu Đảng không áp dụng đối với đảng viên đã từ trần. Đảng viên bị bệnh nặng có thể được xét tặng Huy hiệu Đảng sớm, nhưng thời gian xét tặng sớm không được quá một năm so với thời gian quy định. Quy định số 24-QĐ/TW quy định về xét tặng, truy tặng Huy hiệu Đảng sớm không quá một năm cho đảng viên bị bệnh nặng hoặc có đủ 30 năm, 40 năm, 45 năm, 50 năm, 55 năm, 60 năm, 65 năm tuổi Đảng. Ngoài ra, Quy định số 24-QĐ/TW còn quy định: Đảng viên 70 năm, 75 năm, 80 năm, 85 năm, 90 năm tuổi đảng trở lên, nếu bị bệnh nặng có thể được xét tặng Huy hiệu Đảng sớm, nhưng không được quá hai năm.
Theo đó, Quy định số 24-QĐ/TW đã làm rõ ràng, chi tiết hơn về việc xét tặng Huy hiệu Đảng trong trường hợp đảng viên bị kỷ luật. Đối chiếu với Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25-7-2016, chúng ta thấy rằng điểm mới là Quy định số 24-QĐ/TW bao quát hết việc xét tặng Huy hiệu Đảng cho đảng viên bị kỷ luật theo các hình thức kỷ luật đối với đảng viên chính thức là khiển trách, cảnh cáo, cách chức. Còn theo Quy định số 29-QĐ/TW là: Tại thời điểm xét tặng Huy hiệu Đảng, đảng viên bị kỷ luật về Đảng từ hình thức cảnh cáo trở lên thì chưa được xét tặng; sau 6 tháng (đối với kỷ luật cảnh cáo), 1 năm (đối với kỷ luật cách chức) nếu sửa chữa tốt khuyết điểm sẽ được xét tặng Huy hiệu Đảng. Thực hiện theo quy định này sẽ có hai vướng mắc sau đây:
Vướng mắc thứ nhất, làm giảm vai trò, tác dụng của kỷ luật đảng cũng như nguyên tắc công bằng trong áp dụng các hình thức kỷ luật đảng. Đã bị kỷ luật đảng nghĩa là đảng viên có vi phạm tùy theo tính chất và mức độ của vi phạm. Nếu áp dụng theo Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25-7-2016, thì đảng viên bị thi hành kỷ luật ở mức khiển trách, vẫn được xét tặng và được tặng Huy hiệu Đảng nếu đủ điều kiện; bởi Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25-7-2016, chỉ dừng lại ở việc xét tặng nếu đảng viên bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
Vướng mắc thứ hai, là gây ra những băn khoăn, thắc mắc trong đội ngũ đảng viên và nhân dân, vì đảng viên mới bị kỷ luật xong (chỉ hơn 6 tháng, với hình thức cảnh cáo), nhưng lại được trao tặng Huy hiệu Đảng sẽ làm giảm đi ý nghĩa cao quý và sự ghi nhận của Đảng đối với danh hiệu này. Chính vì vậy, quy định mới là: Tại thời điểm xét tặng Huy hiệu Đảng, đảng viên bị kỷ luật về đảng thì chưa được xét tặng; sau 6 tháng (đối với kỷ luật khiển trách), 9 tháng (đối với kỷ luật cảnh cáo), 1 năm (đối với kỷ luật cách chức), nếu sửa chữa tốt khuyết điểm, được chi bộ công nhận thì được xét tặng Huy hiệu Đảng là rất hợp lý và giải tỏa được những băn khoăn, thắc mắc của đảng viên.

  • Về thi hành Điều lệ Đảng
  • 24-QĐ/TW
  • Quy định
  • Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
  • 30/07/2021
  • 30/07/2021
  • Ban Chấp hành Trung ương
  • Nguyễn Phú Trọng
  • Tải về Tải về

Xem thêm