Vận dụng công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn huyện Tuần Giáo

NGUYỄN VĂN BÁCH
2/01/2019

 1. Sự cần thiết, mục đích của việc thực hiện sáng kiến:

a. Sự cần thiết

Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có vai trò hết sức quan trọng khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh; để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đặc biệt là việc tạo nguồn thu từ đất đóng vai trò quan trọng nhằm phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thành các mục tiêu và chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện ngân sách còn hạn chế.


Luật xây dựng đã giải thích từ ngữ “công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế”. Từ định nghĩa ngày có thể hiểu được “mặt đất”, “mặt nước” hay là “mặt bằng” nói chung có ý nghĩa rất quan trọng đối với dự án, công trình.  Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thường gọi là giải phóng mặt bằng (GPMB) vốn là công việc khó khăn, liên quan đến nhiều người và thường nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp, khó lường. Do đó, công tác dân vận trong GPMB cần phải đi trước để tháo gỡ những “nút thắt” trong quá trình triển khai. Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là động lực chính để thu hút đầu tư, giúp người dân được hưởng lợi từ sự tác động tích cực, sử dụng và khai thác có hiệu quả quỹ đất hiện có, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trên địa bàn, đặc biệt là những người có đất thu hồi.

Quá trình công tác tại Tổ chức phát triển quỹ đất trong đó nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án trên đại bàn huyện Tuần Giáo. Với cương vị là người đứng đầu, trực tiếp tham gia chỉ đạo, triển khai việc GPMB, bản thân tôi luôn trăn trở làm sao phải GPMB nhanh, nhưng phải bảo đảm thực hiện đúng quy trình, trình tự, công khai, minh bạch, chính xác, đảm bảo chính sách của Nhà nước. Xuất phát từ ý tưởng đó, tôi đã nghiên cứu, học hỏi, tiến hành vận dụng công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn huyện Tuần Giáo; nghiên cứu, tham khảo mô hình tăng cường công tác dân vận, “dân vận khéo” trong GPMB của một số địa phương, tham vấn chuyên môn của Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Điện Biên, Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Khoa Dân Vận - Trường Chính trị tỉnh, Ban Dân vận Huyện về việc vận dụng công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trong những năm qua, bằng cách vận dụng công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã tháo gỡ những “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đảm bảo tiến độ công trình và tạo được sự đồng thuận của người dân.

Kết quả nghiên cứu, tìm tòi giải pháp của tôi cũng là sáng kiến trình Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở huyện Tuần Giáo xem xét, công nhận. Mặt khác, là tài liệu định hướng, giúp nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện. Qua đây, tôi cũng mạnh dạn đề xuất một số giải pháp để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả vận dụng công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong thời gian tới.

b. Mục đích

1. Nâng cao vai trò, hiệu quả công tác dân vận trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.

2. Tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên thực hiện công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng trên địa bàn.

3. Đề xuất một số giải pháp tăng cường công tác dân vận trong GPMB trên địa bàn huyện.

2. Phạm vi triển khai thực hiện: Phổ biến trên địa bàn huyện Tuần Giáo.

3. Mô tả sáng kiến:

3.1. Thu thập, nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để GPMB các dự án trên địa bàn huyện Tuần Giáo.

3.1.1. Khái quát tình hình công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để GPMB các dự án trên địa bàn huyện Tuần Giáo

Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai nói chung trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã có những chuyển biến tích cực, dần đi vào nề nếp; tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được xét duyệt trong đó có Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tại Quyết định số 458/QĐ-UBND ngày 19/6/2014 của UBND tỉnh Điện Biên.

Từ ngày 01/7/2014 đến hết năm 2017, UBND huyện đã ban hành: 104 Quyết định thu hồi đất; Tổng số hộ gia đình, cá nhân trong diện thu hồi, bồi thường: 745 hộ và 14 cộng đồng dân cư.

- Tổng diện tích đất thu hồi: 77,0 ha, bao gồm: đất nương rẫy trồng cây hằng năm khác (NHK): 59,15 ha; đất ở tại nông thôn (ONT): 3,18 ha; đất ở tại đô thị (ODT): 0,05 ha; đất trồng lúa nương (LUN): 1,10 ha; đất chuyên trồng lúa nước (LUC): 0,92 ha; đất trồng cây công nghiệp lâu năm ( LNC): 0,86 ha; đất trồng cây lâu năm khác (LNK): 0.44 ha; đất nuôi trồng thủy sản (NTS): 0,01 ha; đất có rừng tự nhiên sản xuất (RSN): 7,91 ha; đất có rừng trồng sản xuất (RST): 0,24 ha; đất khoanh nuôi phục hồi rừng phòng hộ (RPK): 0,17 ha; đất giao thông kinh doanh (DGT): 0.02 ha; đất bằng trồng cây hằng năm khác (BHK): 0,85 ha; đất rừng phòng hộ (RPH): 0,99 ha; đất chuyên nuôi trồng thủy sản nước ngọt ( TSN): 0,09 ha; đất trồng lúa nước còn lại ( LUK): 0,70 ha; đất trồng rừng sản xuất (RSM): 0,33 ha; Số phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt: 19 Quyết định với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là:   50.711.195.731  đồng.

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, Tổ chức phát triển quỹ đất đã phối hợp, tham mưu cấp ủy xã thống nhất giao nhiệm vụ cho các ban, ngành, đoàn thể, các chi bộ họp với tổ dân vận bản, vận động người dân giao nhận mặt bằng. Phương pháp vận động được đưa ra đó là phải đánh vào tâm lý của người dân, so sánh giữa khó khăn và thuận lợi của việc giữ nguyên hiện trạng hay thực hiện dự án. Đặc biệt, việc lấy gương sáng người dân nghiêm chỉnh chấp hành để lan tỏa tinh thần tự nguyện trong dân. Những tấm gương được đưa ra biểu dương tại các cuộc họp dân, tác động không nhỏ đến tâm lý của người dân không chỉ trong diện GPMB. Với cách làm đó, nhiều phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư rất phức tạp nhưng được các hộ dân dần đồng tình, ủng hộ. Thậm chí, có một số dự án, vào thời điểm chưa phương án được phê duyệt chính thức để chủ đầu tư bố trí tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng người dân vẫn chấp nhận tạm ứng một phần, ký đơn cho làm trước, hoàn thành việc đền bù sau khi có phương án chính thức được UBND huyện phê duyệt. Điển hình là Dự án Kè bảo vệ khu dân cư, trường Tiểu học Bình Minh và đất sản xuất nông nghiệp thuộc xã Chiềng Đông, một dự án không có tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định địa phương phải có trách nhiệm thực hiện vụ GPMB. Quá trình thực hiện dự án, ban đầu huyện giao cho cấp ủy chính quyền xã tự tổ chức thực hiện GPMB, tuy nhiên phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp và khiếu nại vượt cấp của nhiều hộ dân và giữa các bản có dân trong khu vực thực hiện dự án, dự án dừng thi công, chờ kết luận thanh tra tỉnh. Trước tình hình đó UBND huyện quyết định thành lập Hội đồng BTHT&TĐC và giao Tổ chức phát triển quỹ đất trực tiếp tham mưu, giúp việc Hội đồng BTHT&TĐC giải quyết dứt điểm. Quá trình tổ chức thực hiện GPMB, đã rà soát, xác minh lại toàn bộ diện tích ảnh hưởng, lập hồ sơ thu hồi, bồi thường cho 64 hộ gia đình thuộc các bản Bình Minh, Vánh II, Vánh III, Pom Sinh, Pú Biếng, bản Bó của xã Chiềng Đông với tổng diện tích gần 2,8 ha đất lúa. Qua nhiều cuộc tuyên truyền, vận động, đối thoại cuối cùng dự án đã được tháo gỡ, được bàn giao diện tích thi công còn lại và hoàn thành dự án. Người có đất thu hồi thống nhất, đồng thuận chia, nhận phần đất nông nghiệp thuộc một phần quỹ đất hiện có tại vị trí nắn suối Nà Khương và Nà Khỉ. Trên cơ sở diện tích được giao, cải tạo các hộ đã được các cơ quan chuyên thực hiện các bước theo để cấp GCN QSD đất và hỗ trợ cải tạo đất lúa. Nhân dân phấn khởi, diện tích đất lúa tăng thêm, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được cải thiện đáng kể, nhân dân tin tưởng vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.

3.1.2. Khó khăn, vướng mắc tồn tại trong công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư

Quá trình triển khai công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư trên địa bàn gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau:

Một số dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng, danh mục và nhu cầu sử dụng các loại đất đã được HĐND tỉnh chấp thuận, có Nghị quyết kèm theo…, tuy nhiên khi triển khai thực hiện thu hồi đất, người có đất thu hồi cho rằng những dự án này không phải là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng, nếu là dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng trực tiếp phục vu địa phương như: trụ sở, nhà văn hóa, trường học... thì nhất trí.

Giá cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thấp hơn giá chuyển nhượng trên thị trường rất nên các nhiều hộ dân không nhất trí, hài lòng, cụ thể: Phương pháp định giá đất cụ thể căn cứ Điều 4 và Điều 5 của Nghị định 44/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 quy định về giá đất. Vì vậy, khi điều tra, thu thập thông tin định giá thửa đất đều căn cứ vào các giao dịch đã thành công được lưu tại UBND cấp xã, Chi cục thuế cấp huyện, Văn phòng ĐKQSD đất để tính toán.

 Như vậy cơ sở tính toán, thẩm định, phê duyệt thì đảm bảo. Tuy nhiên, trên thực tế, khi chuyển nhượng đất đai các bên chỉ khai để tính thuế, với mức tối đa bằng giá quy định theo Bảng giá đất của UBND tỉnh, mức này thường thấp hơn giá thực tế các bên mua bán. Giá giao dịch được xác nhận này cũng thấp hơn rất nhiều so với thông tin từ điều tra, phỏng vấn trực tiếp từ người dân.

Việc quy định thu hồi đất từ 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trở lên mới được hỗ trợ ổn định đời sống quy định tại Điều 19, Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2015 (được tính bằng tiền tương đương 30 kg gạo trong 01 tháng cho 01 nhân khẩu), gây khó khăn trong thực tế thực hiện. Người có đất thu hồi thường so sánh, (họ cho rằng thu ít hay nhiều thì cũng Nhà nước thu hồi, nhu cầu ổn định đời sống ai cũng cần…).

Mẫu Thông báo thu hồi đất theo Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT ngày 02 tháng 6 năm 2014 của  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: yêu cầu phải có các thông tin sau: (1) Thu hồi đất của ... (ghi tên người có đất thu hồi): Địa chỉ thường trú; (2) Diện tích đất dự kiến thu hồi; (3) Thửa đất số ..., thuộc tờ bản đồ số ... tại xã; (4) Loại đất đang sử dụng…

Tuy nhiên muốn có những thông tin này thì phải điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. Trong khi Điều 69 Luật đất đai quy định: Trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng: thông báo thu hồi phải thực hiện trước khi có kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.

Việc bồi thường thiệt hại do làm hạn chế khả năng sử dụng đất nông nghiệp như trong hành lang lưới điện, do không thu hồi đất hành lang nên không được bồi thường, chỉ bồi thường về đất những vị trí chân cột, móng néo, trạm biến thế. Đối với trường hợp này tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh, quy định bồi thường bằng một lần sản lượng cây cối, hoa màu phải chặt hạ, trong khi người có đất ảnh hưởng phải giải tỏa, chặt bỏ, không thể trồng lại giống cây tương tự trong hành lang lưới điện, như vậy khi nhận tiền hỗ trợ xong là gần như phải bỏ đất hoang. Dẫn đến rất khó thực hiện dự án có sử dụng đất trong trường hợp này.

Việc tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đối đất vườn, ao của hộ gia đình, cá nhân trong cùng một thửa đất đang có nhà ở trong khu dân cư chưa được công nhận là đất ở theo giá cụ thể xác định tương đương đất nông nghiệp thuần túy. Giá đất này thấp hơn rất nhiều so với giá trị sử dụng thực tế, do vậy người có đất thu hồi khó đồng thuận, đặc biệt đối với những hộ trước đây đã bị thu hồi đất và được bồi thường, hỗ trợ theo chính sách cũ. Trước khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực loại đất này được hỗ trợ theo Điều 21 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP; khoản 7 Điều 5 Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND ngày 18/01/2010 của UBND tỉnh Điện Biên (mức hỗ trợ từ 30%-50% giá đất ở).

Cơ sở tính toán bồi thường tài sản, vật kiến trúc là nhà, công trình xây dựng trên đất nông nghiệp khi nhà nước thu hồi đất, trong trường hợp các hộ gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán làm nhà nương (lán nương) xa nơi ở để sử dụng làm nơi sinh hoạt ăn ở trên nương, kho chứa sản phẩm, chuồng trại chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nếu tính toán theo đơn giá lán trại tạm theo Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND ngày 10/3/2015 của UBND tỉnh Điện Biên, đơn giá chỉ bằng 60% nhà gianh tre (243.360 đ/m2).

Việc quy định kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 của Bộ Tài Chính có nhiều bất cập, trong đó gây khó khăn trong tổ chức thực hiện đối với đơn vị tự chủ toàn bộ tài chính; kinh phí chi trả cho công tác xác định giá đất cụ thể được trích từ 2% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định, kinh phí này không đủ để thực hiện, đặc biệt đối với dự án nhỏ do Huyện làm chủ đầu tư.

Hạn mức giao đất trong cây hàng năm đối với các tỉnh miền núi được 2 ha tại Điều 129 Luật đất đai là chưa phù hợp với đặc thù và phong tục, tập quán của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, do các hộ các hộ chủ yếu là canh tác trên đất nương rẫy, ven theo các dòng suối, có nhiều thế hệ cùng chung sống trong 1 hộ, dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất là rất khó khăn, đặc biệt là những dự án lớn, như dự án thủy điện.

3.1.3. Nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư:

+ Chính sách pháp luật về đất đai còn nhiều điểm bất cập với thực tế, nhất là việc thay đổi chính sách bồi thường về đất đai khi thu hồi giữa Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013 (Luật Đất đai năm 2013 không còn chính sách hỗ trợ về đất khi thu hồi đất nông nghiệp);

+ Công tác quản lý về đất đai và hồ sơ đất đai còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, đặc biệt trong lưu giữ tài liệu, hồ sơ liên quan đến nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất của người dân và theo dõi các biến động về đất đai hằng năm của cấp xã, dẫn đến thông tin thiếu thống nhất khi xem xét phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân có đất bị thu hồi;

+ Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân ở một số địa phương chưa được coi trọng đúng mức, chưa tập trung để giải quyết, giải quyết chủ quan, chưa xem xét hết yếu tố thực tiễn và những bất cập trong thực thi chính sách để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân;

+ Một số người dân do nhận thức pháp luật còn hạn chế, bị kẻ xấu lợi dụng để cản trở, gây áp lực với chính quyền.

+ Quan điểm có nơi, có lúc trong việc giải quyết khiếu nại liên quan đến thu hồi đất, bồi thường GPMB chưa kiên trì đối thoại, giải quyết đến cùng các nội dung khiếu nại của người dân; chưa xem xét thực tiễn khách quan để vận dụng chính sách có lợi nhất cho người dân. Đối với những vụ việc đông người, chưa kịp thời chỉ đạo rà soát cụ thể từng trường hợp để xem xét, giải thích và giải quyết đầy đủ từng nội dung khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật và thực tiễn cuộc sống. Dẫn đến những vụ việc phức tạp, kéo dài, đông người liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

3.1.3. Những ưu điểm và hạn chế của việc vận dụng công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

a. Ưu điểm:

- Việc vận dụng công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với chính quyền, nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm của các cấp chính quyền, của cán bộ, công chức, viên chức đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong tình hình mới hiện nay. Đây là yếu tố chính giúp chính quyền nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, thúc đẩy công tác giải phóng nhanh mặt bằng nhanh gọn, thuận lợi, tạo điều kiện cho việc triển khai các dự án trên địa bàn huyện được thông suốt, hiệu lực, hiệu quả...

- Quá trình vận dụng công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tác động tích cực đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, qua đó kiện toàn, củng cố, phân công cán bộ theo dõi công tác trong các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp; thể hiện sự quan tâm thiết thực đến lợi ích của người dân. Phát huy hiệu quả trong việc thực hiện một số chính sách trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư như: chính sách về thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng đối với những hộ giải tỏa chấp hành bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định, chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất, chính sách chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm đối với những hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, chính sách đối với công tác tái định cư… Qua đó Nghiên cứu, tổng kết, tham mưu cho cấp ủy Đảng xây dựng các quy chế phối hợp trong hệ thống chính trị; chỉ đạo tăng cường công tác dân vận đối với các nhiệm vụ trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, những lĩnh vực nhân dân đang có nhiều bức xúc, giải quyết kịp thời những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

b. Hạn chế

Việc vận dụng công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tốn nhiều thời gian, đặc biệt về lâu dài rất khó khăn do sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cán bộ ban, ngành, đoàn thể liên quan tham gia Hội đồng BTHTTĐC. Việc vận dụng không tốt dẫn đến phản tác dụng gây thất thoát lãng phí nguồn nhân lực, trong khi có rất nhiều các vấn đề liên quan trên địa bàn cần phải giải quyết.

3.2. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của vận dụng công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn huyện Tuần Giáo

Từ thực trạng, ưu điểm, hạn chế của việc vận dụng công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn huyện Tuần Giáo nêu trên, tôi xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp để tiếp tục phát huy hiệu quả vận dụng công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn huyện Tuần Giáo như sau:

3.2.1. Giải pháp trước mắt

- Nâng cao chất lượng công tác dân vận của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Cán bộ, công chức chính quyền nhà nước phải nắm chắc chủ trương, chính sách, các quy định của nhà nước về lĩnh vực đất đai, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để giải thích hướng dẫn cho nhân dân, đồng thời gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật để dân noi theo. Cán bộ công chức phải giành thời gian đi cơ sở, bám sát thực tiễn, gặp gỡ, tiếp xúc với dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Xây dựng và thực hành phong cách công tác "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân"; "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin".

- Phối hợp tổ chức tốt, kịp thời và có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân. Phối hợp với chính quyền tham mưu tổ chức thực thi công vụ của cán bộ công chức chính quyền, tập trung vào các vấn đề nhiều bức xúc như: quản lý đất đai, nguồn gốc đất, giá đất... Đề xuất xử lý nghiêm những hành vi sách nhiễu, quan liêu, tham nhũng, thiếu trách nhiệm, xâm phạm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân.

- Thực hành công khai, minh bạch trong hoạt động thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quản lý, giám sát, phản biện xã hội đối với các hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ công chức chính quyền. Trong đó, tập trung công khai về chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai; về chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, cơ sở; qu hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định, thủ tục hành chính và quy trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến thu hồi, bồi thường, GPMB; về phân công công việc và chế độ trách nhiệm; về chế độ khen thưởng và xử lý vi phạm... Công khai trong hoạt động tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện dự án để nhân dân có thể dễ dàng thực hiện quyền giám sát của mình.

3.2.2. Giải pháp lâu dài

- Phân công cán bộ theo dõi công tác dân vận nói chung và trong công tác quản lý đất đai nói riêng của địa phương, đơn vị mình. Tham gia các lớp tập huấn, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tư tưởng của Bác Hồ về dân vận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng về công tác dân vận cho cán bộ công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính; thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính; bãi bỏ hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho nhân dân và chủ đầu tư. Thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc; thực hành tiết kiệm, đấu tranh chống tham ô, lãng phí.

- Tích cực chủ động phối hợp hoạt động với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân để thực hiện các nhiệm vụ trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn; tăng cường sự phối hợp, liên kết hỗ trợ của các đoàn thể để tuyên truyền giải thích về nội dung các chủ trương chính sách, các quy định của nhà nước, của địa phương để vận động và tổ chức nhân dân hành động thông qua hoạt động thực tiễn để thu thập ý kiến của đoàn viên, hội viên, của nhân dân tham gia xây dựng, bổ sung chính sách về đất đai cho phù hợp. 

- Xây dựng các mô hình, điển hình làm công tác dân vận khéo trong lĩnh vực đất đai và cụ thể là thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Phối hợp kiểm tra công tác dân vận của các cấp chính quyền; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận ở các cơ quan chính quyền và cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức trao đổi kinh nghiệm về “dân vận khéo trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư” trong các cơ quan chính quyền về tổ chức tiếp dân, đối thoại với dân và phong cách dân vận của cán bộ, công chức, viên chức...

3.3. Kết quả, hiệu lực, hiệu quả mang lại:

- Hiệu lực, hiệu quả về kinh tế - xã hội: Giải quyết vấn đề liên quan đến các dự án thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Từ vận dụng công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sẽ dần xoá bỏ bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi để đất đai được sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và đúng pháp luật; quản lý nhưng khu đất sử dụng kém hiệu quả được tốt hơn.

- Hiệu quả trong công tác quản lý và sử dụng đất đai: Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc quản lý đất đai trên địa bàn, khai thác hiệu quả quỹ đất, phát huy hiệu quả tối đa lực từ đất, nâng cao giá trị quyền sử dụng đất; tạo nguồn thu để phát triển cơ sở hạ tầng địa phương. Thông qua công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, có thể phối hợp thực hiện công tác giao đất và cấp GCNQSDĐ được nhanh chóng và dễ dàng, thủ tục hành chính đơn giản.

4. Đánh giá về phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến:

- Góp phần nâng cao nhận thức về vận dụng công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nếu thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực cho công tác thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng trên địa bàn huyện Tuần Giáo.

          - Làm Tài liệu tham khảo cho Tổ chức phát triển quỹ đất; các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tuần Giáo để triển khai Giải pháp công tác;

          - Góp một phần vào công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa huyện Tuần Giáo ổn định, bền vững.



5. Kiến nghị, đề xuất:

- Kiến nghị chính quyền các xã thị trấn quan tâm đến công tác quản lý đất đai, phối hợp với Tổ chức phát triển quỹ đất, các cơ quan, đơn vị liên quan vận dụng công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, góp phần hoàn thành các Chương trình phát triển và dự án trên địa bàn.

- Kiến nghị Huyện ủy, HĐND-UBND huyện tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành đoàn thể huyện quan tâm đến lĩnh vực đất đai trong đó có công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; thông qua công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư làm cho tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn ngày càng ổn định và phát triển hơn.

- Kiến nghị các cấp bằng các nguồn vốn từ ngân sách, vốn huy động từ xã hội hóa tiếp tục đầu tư vào các khu đất kém hiệu quả, các khu đất hoang hóa và trước mắt là khu đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư để tạo quỹ đất tái định cư cho các dự án trên địa bàn.

- Các tổ chức, cá nhân liên quan tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch sử dụng đất, tổ chức thực hiện có hiệu quả các phương án quy hoạch sử dụng đất theo phân kỳ và hàng năm, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc đảm bảo thực hiện dự án với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng gắn với quy hoạch phát triển các khu dân cư để giải quyết nhu cầu tái định cư cho những hộ dân bị thu hồi đất.

Xem thêm