Nội dung số 01: Hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 3 thuộc Chương trình theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg

NGUYỄN VĂN BÁCH
10/22/2023

Nội dung số 01: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi như sau:

+ Mục tiêu: Hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng, miền; khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

+ Đối tượng:

. Các hộ nghèo, cận nghèo. Ưu tiên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động; hộ sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn.

. Các doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), HTX tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số.

+ Địa bàn: Các xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

+ Nội dung: Ưu tiên tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ áp dụng kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ, nâng cao năng lực sơ chế, chế biến và phát triển thị trường, trong đó:

. Với các địa phương có thể mạnh trong phát triển nguồn nguyên liệu, có điều kiện phát triển sản xuất, căn cứ vào tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện lựa chọn để hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị do các tổ chức kinh tế và người dân trong vùng cùng tham gia thực hiện, tập trung hỗ trợ một số nội dung chủ yếu sau:

* Tư vấn xây dựng liên kết, chi phí khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển chuỗi giá trị; tư vấn xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, quy trình kỹ thuật, đánh giá thị trường, phương án phát triển thị trường;

* Hỗ trợ nguyên liệu, giống cây, con, vật tư kỹ thuật;

* Tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, quản trị chuỗi giá trị, năng lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ;

* Hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ; xây dựng, đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; các hoạt động quảng bá sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối;

* Đối với những địa phương đã bước đầu hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung hỗ trợ để củng cố, mở rộng, nâng cấp liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đã có.

. Với các địa phương không có điều kiện thực hiện phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, căn cứ vào tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, trong đó tập trung hỗ trợ một số nội dung chủ yếu sau:

* Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao nuôi thủy sản và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất;

* Hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ: Hỗ trợ thiết kế nhà xưởng; hướng dẫn vận hành máy móc thiết bị; thiết bị, vật tư sản xuất; dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm;

* Hỗ trợ các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật.

. Các đối tượng của Tiểu dự án được vay vốn tín dụng chính sách và vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành.

+ Phân công thực hiện:

. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành hướng dẫn tổ chức thực hiện.

. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay vốn tín dụng chính sách theo quy định hiện hành.

Hướng dẫn chi tiết Nội dung số 01: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg tại Thông tư 02/2022/TT-UBDT ngày 30/06/2022 của Uỷ ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây viết tắt là Chương trình) như sau:

Điều 17. Nguyên tắc thực hiện

Ngoài các nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Thông tư này, việc triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

1. Hỗ trợ phát triển sản xuất phải đáp ứng các nguyên tắc tại Điều 20, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

2. Ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ áp dụng kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ, nâng cao năng lực sơ chế, chế biến và phát triển thị trường.

a) Với các địa phương đã bước đầu hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị thì tập trung hỗ trợ để củng cố, mở rộng, nâng cấp liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm hiện có.

b) Với các địa phương có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nguồn nguyên liệu, có điều kiện phát triển sản xuất hàng hóa thì tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị mới do các tổ chức kinh tế và người dân trong vùng cùng tham gia thực hiện.

3. Với các địa phương không có điều kiện thực hiện phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị (các xã, thôn khó khăn nhất, xa trung tâm, cơ sở hạ tầng yếu kém, dân cư phân bố rải rác, điều kiện địa hình, đất đai hạn chế trong việc phát triển sản xuất hàng hóa với quy mô phù hợp với liên kết theo chuỗi giá trị) thì tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng.

4. Hỗ trợ phát triển sản xuất có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm đặc sản, đặc hữu, có lợi thế so sánh, có giá trị kinh tế cao, có ý nghĩa quan trọng đối với giảm nghèo, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai, thúc đẩy bình đẳng giới, hỗ trợ sản xuất gắn với củng cố quốc phòng an ninh.

5. Hỗ trợ phát triển sản xuất có chu kỳ đủ dài để đảm bảo tính ổn định, hiệu quả, duy trì bền vững và khả năng nhân rộng của mô hình, dự án nhưng thời gian hỗ trợ không quá 05 năm, không vượt quá thời hạn thực hiện giai đoạn I của Chương trình đến hết năm 2025.

Điều 18. Xây dựng kế hoạch và danh mục dự án hỗ trợ phát triển sản xuất

1. Xây dựng kế hoạch thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trung hạn (cả giai đoạn 5 năm 2021 - 2025) và hằng năm là một phần của xây dựng kế hoạch trung hạn và hằng năm thực hiện Chương trình. Quy trình, nội dung, phương pháp, thời gian xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện theo quy trình xây dựng kế hoạch chung của Chương trình.

2. UBND cấp tỉnh giao cho một cơ quan trực thuộc chủ trì dự án (sau đây gọi tắt là Chủ trì dự án cấp tỉnh) phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất sử dụng nguồn vốn của Chương trình, phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của địa phương, thực hiện lồng ghép, phối hợp trên địa bàn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án và các nguồn vốn khác.

3. Xây dựng và phê duyệt danh mục định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trung hạn sử dụng nguồn vốn của Chương trình

a) Mẫu biểu đề xuất danh mục định hướng các dự án thực hiện theo quy định cụ thể của UBND cấp tỉnh (nếu có), trong đó bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Tên dự án; Mục tiêu, nội dung chính của dự án; Địa bàn thực hiện; Thời gian thực hiện (không quá 05 năm); Chủ đầu tư.

b) Đối với các địa phương đã bước đầu hình thành chuỗi giá trị sẵn có, hoặc có tiềm năng, thế mạnh phát triển chuỗi giá trị mới

UBND cấp huyện giao cho một cơ quan trực thuộc chủ trì dự án (sau đây gọi tắt là Chủ trì dự án cấp huyện) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát các ngành hàng, đánh giá các liên kết theo chuỗi giá trị hiện có, tiềm năng phát triển các liên kết theo chuỗi giá trị mới, xác định các nội dung ưu tiên, xây dựng và trình UBND cấp huyện phê duyệt danh mục định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trung hạn ở cấp huyện, gửi Chủ trì dự án cấp tỉnh. Chủ trì dự án cấp tỉnh phối hợp với các sở ngành liên quan, tổ chức rà soát và tổng hợp danh mục định hướng các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị do UBND cấp huyện đề xuất; tham mưu Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt danh mục định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trung hạn ở cấp tỉnh, bao gồm các dự án gắn với sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng do cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện và các dự án có cùng loại sản phẩm, cùng mục tiêu và nội dung đầu tư có phạm vi liên huyện (nếu có).

c) Đối với các địa phương không có điều kiện thực hiện phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị

UBND cấp xã tổ chức lựa chọn danh mục định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng trung hạn trên địa bàn xã; lồng ghép với quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và lập kế hoạch thực hiện Chương trình có sự tham gia của cộng đồng trên địa bàn xã; gửi danh mục dự án định hướng trung hạn và biểu mẫu kèm theo về UBND cấp huyện (thông qua đầu mối là Chủ trì dự án cấp huyện) để tổng hợp, trình UBND cấp huyện phê duyệt.

4. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai thực hiện hằng năm sử dụng nguồn vốn của Chương trình

a) Căn cứ danh mục định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trung hạn đã được phê duyệt, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện tổ chức thông báo các chủ trì liên kết (các doanh nghiệp, HTX) lập hồ sơ đề xuất thực hiện dự án, kế hoạch liên kết để thẩm định, phê duyệt.

b) Trường hợp đơn vị chủ trì liên kết đề xuất dự án, kế hoạch liên kết không nằm trong danh mục định hướng trung hạn đã được phê duyệt, Chủ trì dự án các cấp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức rà soát và tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp ban hành văn bản đồng ý chủ trì liên kết lập hồ sơ thực hiện dự án, kế hoạch liên kết theo quy định.

Điều 19. Quản lý, tổ chức thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị

1. Đối tượng và địa bàn

a) Dự án, kế hoạch liên kết phải đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ tham gia các đối tượng thuộc diện hỗ trợ của Chương trình theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP. Ưu tiên hộ nghèo là người dân tộc thiểu số; hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động; hộ sinh sống tại xã ĐBKK, thôn ĐBKK. Ưu tiên dự án, kế hoạch liên kết do doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ, hoặc HTX có trên 50% số thành viên là phụ nữ đề xuất.

b) Các doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), HTX tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số.

c) Địa bàn thực hiện tại các xã, thôn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN; ưu tiên các xã ĐBKK, thôn ĐBKK.

2. Phân cấp quản lý

a) UBND cấp huyện làm chủ đầu tư các dự án, kế hoạch liên kết có hoạt động sản xuất trong phạm vi trong huyện.

b) UBND cấp tỉnh giao cho cơ quan, đơn vị cấp tỉnh làm chủ đầu tư các dự án gắn với sản phẩm chủ lực, đặc trưng và dự án, kế hoạch có hoạt động sản xuất trong phạm vi liên huyện.

c) UBND cấp huyện quyết định phê duyệt danh sách chi tiết đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ và đăng ký vay vốn tín dụng chính sách phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư; UBND cấp tỉnh quyết định hoặc ủy quyền cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc phê duyệt danh sách chi tiết đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ và đăng ký vay vốn tín dụng chính sách phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị các dự án, kế hoạch liên kết do các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh làm chủ đầu tư.

3. Điều kiện hỗ trợ

Điều kiện hỗ trợ thực hiện theo khoản 1 Điều 21 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và Điều 33 Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây viết tắt là Nghị định số 28/2022/NĐ-CP).

4. Xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án, kế hoạch liên kết

a) Chủ trì liên kết lập hồ sơ đề xuất thực hiện dự án, kế hoạch liên kết theo chuỗi giá trị, trên cơ sở tham vấn, phối hợp với các bên liên kết.

b) Nội dung hồ sơ, trình tự thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch liên kết thực hiện theo khoản 2, khoản 3 Điều 21 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, và quy định cụ thể của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

c) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề xuất là Chủ trì dự án cấp tỉnh đối với các dự án, kế hoạch liên kết do các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh làm chủ đầu tư, Chủ trì dự án cấp huyện đối với các dự án, kế hoạch liên kết trong phạm vi huyện.

5. Nội dung hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình thực hiện theo khoản 4 Điều 21 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và quy định cụ thể của UBND cấp tỉnh.

6. Mức, phương thức hỗ trợ

Mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và Điều 35 Nghị định số 28/2022/NĐ-CP.

Điều 20. Quản lý, tổ chức thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng

1. Đối tượng và địa bàn

a) Dự án phải đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ tham gia các đối tượng thuộc diện hỗ trợ của Chương trình theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; trong đó, tỷ lệ tham gia dự án của người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tối thiểu 70%. Ưu tiên hộ nghèo là người dân tộc thiểu số; hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động. Ưu tiên dự án do nhóm hộ, tổ hợp tác có trên 50% số thành viên là phụ nữ đề xuất.

b) Địa bàn thực hiện tại các xã ĐBKK, thôn ĐBKK thuộc vùng đồng bào DTTS&MN.

2. Phân cấp quản lý

a) UBND cấp xã làm chủ đầu tư các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng.

b) Trường hợp không đủ năng lực, UBND cấp xã có văn bản đề nghị UBND cấp huyện giao cơ quan chuyên môn trực thuộc làm chủ đầu tư.

3. Điều kiện hỗ trợ

Điều kiện hỗ trợ thực hiện theo khoản 1 Điều 22 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

4. Xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án

a) Nội dung hồ sơ, trình tự thẩm định, phê duyệt dự án thực hiện theo khoản 2, khoản 3 Điều 22 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và quy định cụ thể của UBND cấp tỉnh.

b) Hình thức luân chuyển, cách thức quản lý vốn hoặc tài sản quay vòng trong cộng đồng (nếu có) do người dân trong cộng đồng đề xuất và đồng thuận, phù hợp với quy định khung do UBND cấp tỉnh ban hành, bao gồm: tỷ lệ hoặc mức, tiến độ thu hồi và quay vòng một phần vốn hỗ trợ; hình thức quay vòng bằng tiền hoặc bằng hiện vật (giống vật nuôi) trong cộng đồng; tiêu chí bình chọn người nhận tiền hoặc hiện vật hỗ trợ ở các vòng tiếp theo; phân công trách nhiệm quản lý và giám sát sử dụng phần vốn quỹ quay vòng; cách thức xử lý trong trường hợp rủi ro do nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan; cách thức tiếp tục sử dụng hoặc xử lý phần vốn quỹ quay vòng kết dư thực tế khi kết thúc thời hạn dự án hoặc kết thúc chu kỳ quay vòng theo cam kết.

5. Nội dung hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình thực hiện theo khoản 4 Điều 22 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và quy định cụ thể của UBND cấp tỉnh.

6. Mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ

Mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình thực hiện theo khoản 5 Điều 22 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

Điều 21. Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng do các Bộ, cơ quan trung ương tổ chức thực hiện

Các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình phân bổ cho các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện (để triển khai các mô hình mẫu, mô hình chỉ đạo điểm, các hoạt động theo kế hoạch và nhiệm vụ được giao của Bộ, cơ quan trung ương trong Chương trình) theo quy định chung tại Điều 21, Điều 22 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và quy định cụ thể của Bộ, cơ quan trung ương ban hành theo thẩm quyền.

Điều 22. Hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ và hỗ trợ phát triển sản xuất đặc thù

Các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ và hỗ trợ phát triển sản xuất đặc thù thực hiện theo quy định chung tại Điều 23, Điều 24 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và quy định cụ thể của Ủy ban Dân tộc, các Bộ, cơ quan trung ương và UBND cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền.

Điều 23. Phân bổ, quản lý, thanh quyết toán nguồn vốn ngân sách nhà nước

1. Phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước

Phân bổ vốn thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn nguồn ngân sách nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành và quy định cụ thể của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

2. Huy động và lồng ghép các nguồn vốn khác

a) Căn cứ vào điều kiện cụ thể, các địa phương chủ động thực hiện huy động và lồng ghép các nguồn vốn nhằm sử dụng nguồn vốn có hiệu quả cao nhất.

b) Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hỗ trợ, tài trợ các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn thực hiện Chương trình.

3. Nguồn vốn vay tín dụng chính sách

Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP.

4. Quản lý, thanh quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 24. Tổ chức triển khai thực hiện

1. UBND cấp tỉnh giao Chủ trì dự án cấp tỉnh là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nội dung số 01 thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 3 ở địa phương.

2. Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định, đạt các mục tiêu và chỉ tiêu Chương trình đã đề ra.

Xem thêm