Chấp thuận nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp

NGUYỄN VĂN BÁCH
11/06/2022

Văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc văn bản trả lời tổ chức kinh tế về việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để Nhà đầu tư triển khai các bước tiếp theo. 

Dựa trên căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính: Luật Đất đai năm 2013 (Trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp thì phải bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Điều 193 của Luật Đất đai); Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18 tháng 12 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai.

1. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có):
- Mục đích sử dụng đối với diện tích đất nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt và công bố;
- Trên địa bàn không còn quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư phù hợp, trừ trường hợp các dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư;
- Trường hợp trong khu vực đất thực hiện dự án đầu tư có phần diện tích đất do Nhà nước giao đất để quản lý quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai, đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, đất mà người đang sử dụng đất không có quyền chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không có tài sản gắn liền với đất, có vị trí nằm xen kẽ với phần diện tích đất đã nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì phần diện tích đất này không đủ điều kiện để tách thành dự án độc theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất;
- Chỉ thực hiện đối với các trường hợp quy định tại Điều 73 của Luật Đất đai.

2. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:
- Tổ chức kinh tế có nhu cầu nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.
- Trường hợp đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp trước ngày 08 tháng 02 năm 2021 (ngày Nghị định số 148/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) mà văn bản chấp thuận đã vượt quá 36 tháng kể từ ngày ký nhưng nhà đầu tư chưa thực hiện thỏa thuận với người sử dụng đất và việc sử dụng đất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ, trình thực thực hiện (tham khảo):
- Tổ chức kinh tế có nhu cầu nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử
dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gửi văn bản đến Sở Tài nguyên và Môi trường. Văn bản đề nghị chấp thuận việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp theo Mẫu số 01 (tham khảo)kèm theo Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai. 
- Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chấp thuận hoặc trả lời tổ chức kinh tế về việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất.
- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thời hạn thực hiện là 36 tháng kể từ ngày ký văn bản chấp thuận hoặc văn bản trả lời tổ chức kinh tế về việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất.

4. Trình tự thực hiện (nội dung dưới đây tham khảo tỉnh Thừa Thiên Huế)
Bước 1: Thông báo chủ trương chấp thuận đầu tư đồng thời với nhà đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bước 2: Đo đạc bản đồ địa chính và rà soát xác định nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất.
Bước 3: Đề nghị chấp thuận nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư.
Bước 4. Hỗ trợ xây dựng phương án thỏa thuận.
Bước 5: Thực hiện việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất, thỏa thuận mua tài sản gắn liền với đất và bồi thường tài sản gắn liền với đất (nếu có) để triển khai dự án.
Bước 6: Xác nhận hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng
Bước 7: Quản lý quỹ đất sau khi thực hiện xong thỏa thuận.

Xem thêm