Hiện nay các hình thức liên kết chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, có ba hình thức liên kết chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp là liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ; liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông hộ; liên kết theo chuỗi giá trị khép kín.
Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng
Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng là một hình thức phối hợp hoạt động giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, gắn với các hình thức tổ chức kinh doanh trong ngành nông sản. Hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền, nghĩa vụ. Liên kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản là những hoạt động kinh tế tự nguyện, cùng có lợi, nhưng ràng buộc chặt chẽ với nhau theo một thỏa thuận trước của các chủ thể sản xuất với chể biến và tiêu thụ nông sản (nguồn 1 và 2).
Hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ được chia làm hai phương thức chính:
Một là, hợp đồng tiếp cận đầu ra của thị trường. Doanh nghiệp tham gia một phần vào quá trình sản xuất của nông hộ, như ứng trước vật tư, hướng dẫn quy trình sản xuất, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. Khi đó, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là người bao tiêu toàn bộ hàng hóa do nông hộ sản xuất theo mức giá do doanh nghiệp và nông hộ thỏa thuận từ đầu vụ. Ưu điểm của phương thức liên kết này là doanh nghiệp và nông hộ sẽ có mối ràng buộc khá chặt chẽ. Sản phẩm làm ra được bảo đảm đầu ra và nông hộ cũng được chia sẻ các chi phí sản xuất. Tuy nhiên, hạn chế của phương thức liên kết này là trách nhiệm của doanh nghiệp và nông dân chủ yếu dựa trên chữ tín. Chính vì vậy, khi thị trường có biến động lớn về giá cả sẽ dễ dẫn tới nguy cơ hợp đồng bị phá vỡ. Điển hình cho phương thức liên kết này là mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng mía đường, cà-phê…
Hai là, hợp đồng quản lý sản xuất và cung cấp dịch vụ đầu vào. Nông hộ tham gia gia công sản phẩm cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cung cấp giống, thức ăn, thuốc... và đưa ra yêu cầu về thời vụ sản xuất, áp dụng kỹ thuật theo quy trình cụ thể, giám sát dịch bệnh, quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Nông hộ nhận khoán định mức chi phí và một phần chi phí đầu tư cơ bản, chi phí lao động và sản xuất trên đất của nông hộ. Ưu điểm của phương thức liên kết này là nông hộ giảm được chi phí đầu tư, rủi ro thấp nhưng mức lợi nhuận thường không cao. Hạn chế của phương thức liên kết này là rất ít nông hộ có đủ điều kiện để doanh nghiệp lựa chọn ký hợp đồng và với phương thức liên kết này dễ xuất hiện lợi ích nhóm khi tiến hành liên kết.