1. Mục tiêu thực hiện Chương trình:
a) Mục tiêu tổng quát:
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn;
b) Mục tiêu cụ thể:
- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm;
- Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm;
- 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
2. Phạm vi và thời gian thực hiện Chương trình:
a) Phạm vi thực hiện Chương trình: Trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo;
b) Thời gian thực hiện Chương trình: Từ năm 2021 đến hết năm 2025.
3. Kinh phí thực hiện Chương trình:
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó:
a) Vốn ngân sách Trung ương: 48.000 tỷ đồng, bao gồm:
- Vốn đầu tư phát triển: 20.000 tỷ đồng;
- Vốn sự nghiệp: 28.000 tỷ đồng;
b) Vốn ngân sách địa phương: 12.690 tỷ đồng;
c) Huy động hợp pháp khác: 14.310 tỷ đồng.
Chính phủ có giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình bảo đảm hiệu quả.
4. Nguyên tắc, giải pháp triển khai, thực hiện và cơ chế quản lý, điều hành Chương trình:
a) Nguyên tắc, giải pháp triển khai, thực hiện Chương trình:
- Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo;
- Quy định định mức phân bổ cụ thể ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, mục tiêu kế hoạch hằng năm; quy định cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện một số hoạt động của Chương trình bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm, điều kiện huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí; không sử dụng vốn của Chương trình để chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước đã được bố trí đầy đủ từ nguồn vốn chi thường xuyên;
- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về giảm nghèo bền vững. Xây dựng tiêu chí khuyến khích cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng về thoát nghèo, giảm nghèo bền vững;
- Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; khơi dậy, phát huy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo và cộng đồng;
- Phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh;
- Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo, trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong thực hiện Chương trình;
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa; kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí và xử lý nghiêm minh các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình;
b) Cơ chế quản lý, điều hành Chương trình:
Thành lập Ban Chỉ đạo chung cho cả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 ở cấp Trung ương và ở địa phương bảo đảm hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp giữa 03 Chương trình.
Cập nhật một số văn bản liên quan:
- Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025;
- Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025;
- Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ: Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025;
- Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025;
- Thông tư số 06/2022/TT-BTTTT ngày 30/06/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông Ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;
- Thông tư 46/2022/TT-BTC ngày 28/07/2022 của Bộ Tài chính Quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025
- Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 08/07/2022 của HĐND tỉnh Ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025,trên địa bàn tỉnh Điện Biên;
- Quyết định số 20/2022/QĐ-UBND ngày 27/06/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Ban hành Quy định phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh Điên Biên ;
- Quyết định số 1238/QĐ-UBND ngày 14/7/2022 của UBND tỉnh Điện Biên Quyết định điều chỉnh tăng dự toán thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương, đồng thời điều chỉnh tăng dự toán chi nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, năm 2022 để phân bổ cho các đơn vị thực hiện;
- Quyết định số 324/QĐ-UBND ngày 08/02/2022 của UBND huyện Tuần Giáo Về việc thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Tuần Giáo, giai đoạn 2021-2025