PAR Index, PAPI, Sipas, DDCI

NGUYỄN VĂN BÁCH
7/24/2022

Để đánh giá khách quan những nội dung trên, Chính phủ đã sử dụng các chỉ số đánh giá cụ thể: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Bộ công cụ đánh giá năng lực điều hành kinh tế của chính quyền các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các Sở, Ban, Ngành (DDCI )…

Ngày 8/11/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30c/NQ-CP nêu rõ mục tiêu cải cách hành chính là xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các doanh nghiệp trong việc tuân thủ thủ tục hành chính; xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tăng tính dân chủ và pháp quyền trong hoạt động điều hành của Chính phủ và của các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. 

PAR Index - Chỉ số cải cách hành chính

Là chỉ số cải cách hành chính, là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính (CCHC) được Bộ Nội vụ ban hành tại Quyết định số 1294/QĐ-BNV ngày 03/12/2012 về phê duyệt Đề án "Xác định chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" với mục tiêu: Xác định Chỉ số CCHC để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khác quan, công bằng kết quả CCHC hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020.PAR Index gồm đánh giá bên trong của cơ quan (có thẩm định của Hội đồng Thẩm định Trung ương) và đánh giá bên ngoài của người dân.
Nội dung của Chỉ số được xác định trên 8 lĩnh vực, gồm: Công tác chỉ đạo điều hành CCHC;Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan HC và đơn vị sự nghiệp công lập; Hiện đại hóa nền hành chính; Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Tổng điểm của PAR Index là 100 điểm với phương pháp đánh giá như sau: thông qua kết quả tự chấm điểm của địa phương (đánh giá bên trong) với số điểm tối đa là 62/100 điểm và kết quả điều tra xã hội học (đánh giá bên ngoài) với số điểm tối đa là 38/100 điểm.

SIPAS - Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính

1. Sipas là gì?


Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (tên viết tắt tiếng Anh là SIPAS) là kết quả mang tính định hướng của việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Chỉ số SIPAS là thước đo mang tính khách quan, phản ánh trung thực kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công cụ thể.

2. Mục tiêu:

Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2010 - 2020 đã khẳng định rõ từ nay đến năm 2020, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành cần tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước; bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 80% vào năm 2020; hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên Mạng thông tin điện tử hành chính của Chính phủ ở mức độ III và IV, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau.
Để có cơ sở đo lường, xác định mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước một cách cụ thể, định lượng như đã đề ra tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 1383/QĐ-BNV phê duyệt Đề án xây dựng Phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Đề án được xây dựng nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước. Thông qua đó, các cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ của mình nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức.

3. Phương pháp đánh giá:

Chỉ số SIPAS được đo lường thông qua điều tra xã hội học đối với người dân, tổ chức đã giải quyết thủ tục hành chính (đã hoàn thành và nhận kết quả) ở các dịch vụ hành chính công được lựa chọn khảo sát. Thông tin điều tra xã hội học được thu thập trên các Phiếu hỏi, được phát tới người dân, tổ chức, gồm khoảng 20 câu hỏi khảo sát trên 04 tiêu chí:
(1) Tiếp cận dịch vụ;
(2) Thủ tục hành chính;
(3) Sự phục vụ của công chức 
(4) Kết quả giải quyết công của cơ quan hành chính nhà nước.
Với mỗi tiêu chí, người dân, tổ chức đưa ra đánh giá về sự hài lòng và đánh giá chung về sự hài lòng đối với tàn bộ dịch vụ theo thang đánh giá 5 mức:
(1) Rất không hài lòng,
(2) Không hài lòng,
(3) Bình thường, 
(4) Hài lòng
(5) Rất hài lòng.
Chỉ số SIPAS được tính toán dựa trên tỷ lệ phần trăm số người dân, tổ chức có câu trả lời ở mức hài lòng và rất hài lòng đối với câu hỏi hài lòng chung về toàn bộ dịch vụ. Bên cạnh đó, phương pháp đo lường này cung cấp các chỉ số thành phần theo từng tiêu chí của dịch vụ, các chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước theo từng yếu tố của dịch vụ, giúp cơ quan quản lý phân tích, xác định cụ thể mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với dịch vụ được tiến hành khảo sát.
* Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (của cấp tỉnh theo Báo cáo của Bộ Nội):
1. Chỉ số Nhận định
2. Chỉ số Hài lòng
3. Chỉ số mong đợi

PAPI - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

PAPI là chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh,là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số PAPI hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của nhân dân. PAPI đo lường trải nghiệm của người dân với việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các cấp chính quyền địa phương ở sáu nội dung chính:
- Tham gia của người dân ở cơ sở: Tập trung tìm hiểu mức độ hiệu quả của chính quyền địa phương trong việc huy động sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, qua đó đánh giá các cơ chế tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các quy trình quản trị và hành chính công. Các vấn đề chính được đề cập ở đây là hiểu biết của người dân về cơ hội tham gia của mình, kinh nghiệm trong bầu trưởng thôn/tổ trưởng dân phố và mức độ hài lòng với chất lượng bầu cử vị trí trưởng thôn/tổ trưởng dân phố và huy động đóng góp tự nguyện của người dân cho các dự án công trình công cộng của xã/phường.
- Công khai, minh bạch: Đánh giá mức độ công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin của chính quyền địa phương tới người dân. Đặc biệt, trục nội dung này tập trung vào vấn đề nhận thức của người dân từ kết quả cung cấp thông tin của chính quyền cũng như mức độ công khai thông tin về các chính sách xã hội cho người nghèo, về các quy định pháp luật ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của người dân, về thu chi ngân sách cấp xã/phường và về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đền bù đất bị thu hồi.
Trách nhiệm giải trình với người dân: Về trách nhiệm giải trình với người dân tập trung đánh giá hiệu quả giải trình của cán bộ chính quyền về các hoạt động tại địa phương với cấp cơ sở. Nội dung này xem xét mức độ và hiệu quả tiếp xúc của người dân với các cá nhân và cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các vấn đề cá nhân, gia đình, hàng xóm, hoặc liên quan tới chính quyền địa phương; về khiếu nại, tố cáo của người dân; chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước các chương trình và dự án triển khai ở cấp xã/phường (như Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng).
Kiểm soát tham nhũng: Đánh giá mức độ tham nhũng, vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc phát hiện, phản ánh các hành vi tham nhũng. Nhận thức của người dân về quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng và hiệu quả của những nỗ lực chống tham nhũng của các cơ quan nhà nước.
Thủ tục hành chính công: Đánh giá một số dịch vụ và thủ tục hành chính công được lựa chọn. Nội dung này xem xét việc thực hiện và hiệu quả của việc cung ứng dịch vụ và xử lý thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính địa phương dựa trên trải nghiệm thực tế của người dân khi đi làm các thủ tục hành chính và mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công.
Cung ứng dịch vụ công: Đề cập tới các dịch vụ công được coi là đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện điều kiện sống của người dân như y tế, giáo dục, nước sạch và tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn khu dân cư.

DDCI - Bộ công cụ đánh giá năng lực điều hành kinh tế của chính quyền

1. DDCI là gì?

DDCI tên gọi tiếng anh là Department & District Competitiveness Index (DDCI , là bộ công cụ đánh giá năng lực điều hành kinh tế của chính quyền các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các Sở, Ban, Ngành.

2. Mục đích của DDCI:

- Tiếp tục tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các Sở, Ban, Ngành, từ đó tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.
- Tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các Sở, Ban, Ngành.
- Trên cơ sở đó đánh giá công tác điều hành của chính quyền địa phương và các Sở, Ban, Ngành trong năm, nghiên cứu giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh những năm tiếp theo, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát.

3. Phương pháp đánh giá DDCI

- Phương pháp xây dựng hệ thống chỉ số và tiêu chí đánh giá DDCI được lựa chọn tương tự các chỉ số thành phần của PCI, trên cơ sở áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn tại tỉnh Quảng Ninh và có sự tham vấn của chuyên gia PCI trong suốt quá trình xây dựng, triển khai thực hiện.
- Việc khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải được thực hiện với nội dung, tiêu chí, đối tượng cụ thể, thiết thực về những vấn đề đang được nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm khi liên hệ giải quyết thủ tục hành chính; Phản ánh khách quan tình hình hoạt động cũng như những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
- Kết quả khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải được tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, minh bạch để báo cáo lãnh đạo tỉnh; đồng thời là căn cứ để các sở, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan trên địa bàn tỉnh tiếp thu ý kiến góp ý của nhà đầu tư, doanh nghiệp,từ đó đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả; tiếp tục phát huy những mặt đã làm được và nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở.
- Kết quả khảo sát, điều tra là một trong những căn cứ để xem xét, so sánh chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương và của các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh Quảng Ninh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh;

4. Nội dung khảo sát, điều tra lấy ý kiến và phương án tính điểm xếp hạng

(1). Tiếp tục lựa chọn các chỉ số thành phần của DDCI thí điểm gồm:
(a) Tính minh bạch và tiếp cận thông tin;
(b) Tính năng động của Lãnh đạo;
(c) Chi phí thời gian;
(d) Chi phí không chính thức;
(e) Cạnh tranh bình đẳng;
(f) Hỗ trợ doanh nghiệp;
(g) Thiết chế pháp lý.
(2) Bổ sung chỉ số thành phần đánh giá vai trò người đứng đầu từng sở, ngành, địa phương
(3) Sử dụng câu hỏi mở để tiếp thu ý kiến đóng góp, hiến kế của doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp về cơ chế chính sách của tỉnh, cải thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính và tinh thần, thái độ của các cấp chính quyền thuộc tỉnh nhằm nâng cao chất lượng điều hành, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh gắn với hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
(4) Phương án tính điểm xếp hạng DDCI:
- Điểm khảo sát từ phiếu điều tra của nhà đầu tư, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể: chiếm tỷ lệ 95%. - Điểm tổng từ các nguồn dữ liệu: chiếm tỷ lệ 5% bao gồm chấm điểm từ: quá trình theo dõi triển khai thực hiện báo cáo định kỳ về Tổ Công tác PCI (tiến độ và chất lượng báo cáo); các báo cáo của Tỉnh Ủy, UBND tỉnh; số lượng các sáng kiến và hiệu quả của các sáng kiến trong quá trình triển khai liên quan đến PCI, DDCI; sự tích cực hay không tích cực trong phối hợp triển khai chương trình này.

Xem thêm: 

- Kế hoạch số 1899/KH-UBND ngày 23/6/2022 của UBND tỉnh Điện Biên Tổ chức Hội nghị phân tích kết quả chỉ số CCHC (Par Index), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (Sipas) tỉnh Điện Biên năm 2021. Báo cáo số 1428/BC-SNV ngày 25/7/2022 của Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên Phân tích kết quả Chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (Sipas) và kết quả Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2021 tỉnh Điện Biên (Sipas năm 2021 của tỉnh Điện Biên đạt 87,15% tăng 0,6% so với năm 2020).
- Môt số điều cần biết về PAPI, SIPAS, PCI, DDCI (Sở Tư pháp Quảng Ninh) tại đây.

Xem thêm