Phân biệt chủ Sở hữu rừng với chủ rừng

NGUYỄN VĂN BÁCH
8/04/2021

Theo quy định của 
Luật Lâm nghiệp 2017 thì: Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật.

Còn chủ sở hữu rừng bao gồm:

- Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân đối với rừng tự nhiên; rừng trồng do Nhà nước đầu tư toàn bộ; rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng cho hoặc trường hợp chuyển quyền sở hữu rừng trồng khác theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư hoặc được nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật.

Do đó, trong trường hợp Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng thì họ vừa là chủ sở hữu rừng vừa là chủ rừng. Còn các trường hợp còn lại thì Nhà nước là chủ sở hữu rừng, còn chủ rừng là người được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng.

Và theo quy định tại Điều 8 Luật Lâm nghiệp thì Chủ rừng bao gồm các đối tượng sau:

1. Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ.

2. Tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

3. Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được giao rừng.

4. Tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp.

5. Hộ gia đình, cá nhân trong nước.

6. Cộng đồng dân cư.

7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất.

Xem thêm