Linh Sơn Thủy Từ và Đền thờ Nàng Han tùy bút

NGUYỄN VĂN BÁCH
5/02/2016

Linh Sơn Thủy Từ - Đền thờ Nàng Han được di dời, phục dựng gần nguyên gốc khi hồ thủy điện Sơn La tích nước gồm 2 đền thờ là đền thờ thần linh và đền thờ nàng Han, trước đó hai đền này ở cách xa nhau mấy trăm mét ở bên sông, sau khi khôi phục đặt sát cạnh nhau. Những nhà phục dựng đã di dời và đặt lại 4 viên đá cổ (nằm sâu dưới đất 2m dưới chân đền cũ, minh chứng cho sự xuất hiện của đền vào thế kỷ thứ 17), vào khu vực đền khôi phục lại.
Địa chỉ Đền thờ Nàng Han
Biển chỉ dẫn Linh Sơn Thủy Từ - Đền thờ Nàng Han
Vị trí khu Đền nằm cạnh Quốc lộ 279, theo lý trình cổng lên tại vị trí KM 256+650, trên Bảng hướng dẫn ghi cách Sơn La 60 KM, thuộc xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, cách trung tâm huyện Quỳnh Nhai 2 KM. Từ TP Sơn La đi theo QL6 khi đến Chiềng Pấc, rẽ phải đi theo TL 107, qua trung tâm huyện Quỳnh Nhai để đến Linh Sơn Thủy Từ - Đền thờ Nàng Han. Từ Trung tâm huyện Tuần Giáo theo QL6 đi Mường Lay, tới Minh Thắng rẽ đi Pá Uôn theo QL279 đi 34 Km (Cột Km258 QL279 có ghi Minh Thắng cách 32km). Có một điều thú vị từ Linh Sơn Thủy Từ - Đền thờ Nàng Han đi ngược về đầu QL279 sẽ qua Cầu Pá Uôn bắc qua sông Đà, đoạn tích nước Thủy điện Sơn La, nếu đi tiếp sẽ qua thủy điện Bản Chát thuộc địa phận huyện Than Uyên tỉnh Lai Châu và đấu nối với QL32 tại xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu (nơi có thủy điện Mường Kim II).
Việc đi lại để đến được Khu Đền là tương đối dễ dàng. Quan sát thấy đoạn tuyến QL279 qua khu vực được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đảm bảo nên mặt đường phẳng phiu, sạch sẽ; lưu lượng xe lưu thông qua đoạn tuyến này tương đối thấp cho nên hầu như không ảnh hưởng đến giao thông trong khu vực. Có lẽ do địa hình, việc bố trí được bãi đỗ xe dưới chân dốc để lên Đền khó khăn, nên hầu hết những ô tô của khách đến viếng đỗ dọc theo lề đường QL279, xe máy có thể gửi quán nước đối diện phía chân dốc, tuy nhiên diện tích này cũng rất nhỏ hẹp.
Cổng lên Nàng Han
Vị trí cổng lên Linh Sơn Thủy Từ - Đền thờ Nàng Han đấu nối với QL279
Với khu vực có địa hình đồi núi khó khăn việc lựa chọn địa điểm để di dời, phục dựng Đền có lẽ rất khó khăn, bởi lẽ vừa để chọn được thế đất đẹp, phu hợp với việc bối trí các hạng mục của công trình lại không được quá xã khu dân cư thực sự không phải đơn giản. Quan sát về tổng thể khu vực, Linh Sơn Thủy Từ - Đền thờ Nàng Han nằm trên bờ sông Đà đoạn tích nước là hồ thủy điện Sơn La, đây là doi đất nhô ra hồ thủy điện tuy nhiên lại một phần vững chắc với ngọn Pú Nghịu. Vị trí mới được chọn trên mỏm đồi Pú Nghịu, nhìn xuống sông Đà đoạn tích nước thủy điện Sơn La, có thế đất “sơn triều, thủy tụ”, địa thế tuyệt vời. Xét về mặt phong thủy thì đây là khu vực có địa thế đẹp được tính toán kỹ lưỡng và rất hợp lý. Tuy nhiên khung cảnh sơn thủy hữu tình lại phụ thuộc mực nước của Hồ chứa thủy điện Sơn La.
Xem thế đất sơn thủy hữu tình ở đây lại nhớ đến những điều ghi trong cuốn sách "Quản thị địa lý chỉ mộng". Tất nhiên nước sâu phụ thuộc vào lượng nước hồ thủy điện tích, phụ thuộc vào thời tiết và khí hậu. Sách ghi: "Nước đi theo núi, núi ngăn nước. Núi sông phân chia các khu vực, ngăn không cho vượt quá, tích tụ khí. Nước không có núi thì khí tan mà không thể tập trung, núi không nước thì khí hàn. Núi như nhà, nước như tường, ở nhà cao không có tường, không thể phòng vệ được. Núi là thực khí. Đất càng cao khí càng dày. Nước càng sâu khí càng lớn".
 Linh Sơn Thủy Từ - Đền thờ Nàng Han trên vệ tinh 
Trong phong thủy âm trạch, chọn vị trí để đặt lăng, mộ, đền thờ gọi chung là nơi chính huyệt thì phải tuân thủ nghiêm ngặt một số tiêu chí. ” Nơi có chính huyệt, núi phải trẻ, hướng trước mặt phải mở rộng, hình thế bốn bên phải chụm, gió phải kín, nước phải tụ… Sơn minh thuỷ tú phải mưa thuận gió hoà , đất trời sáng sủa , như một thế giới khác , thanh tịnh trong ồn ào, phồn hoa trong thanh tịnh, trông thấy là muốn nhìn, đến gần thấy lòng vui tươi, khí phải tích, tinh phải tụ ”.
Cùng tham quan đền Linh Sơn Thủy Từ và đền thờ Nàng Han bắt đầu từ cổng nằm cách khoảng 50 m phía phải QL279, đi lên ngọn đồi Pú Nghịu. Dốc lên được làm bậc bằng bê tông kiên cố, có những chiếu nghỉ lớn để du khách có thể nghỉ chân, chờ đợi nhau, khi bước tiếp những bậc lên cổng, tạo cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Cổng Đền tọa lạc trên cao với 2 cột trụ tiết diện vuông có hoa văn, họa tiết tỉ mỉ; cổng trào có dạng cuốn thư mang bốn chữ “Linh Sơn Thủy Từ” viền trên được trang trí “lưỡng long chầu nguyệt”. Đây là một mẫu cổng tương đối thanh mảnh, nhẹ nhàng. Trước khi vào cổng có một chiếu nghỉ và tam cấp được lát bằng gạch vuông mau ghi tối.
Qua cổng, phía bên tay phải đường vào là nhà trưng bày, phòng tiếp khách của Ban quản lý Đền. Để ý ở bảng tin, có thể thấy lịch trực của từng thành viên trong Ban quản lý Đền. Đây là nơi trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến di tích và ảnh hoạt động liên quan đến Đền, du khách cũng được đón Ban Quản lý Đền đón tiếp và ghi nhận công đức.
Đi tiếp sẽ tới một khoảng sân rộng rãi vẫn được lát bằng gạch vuông màu ghi tố, có một bển nhỏ đặt ở gốc cây với mũi tên hướng đi Tam Bảo. Tam Bảo được đặt trên cao nhất của quần thể Đền. Đi lên Tam Bảo phải qua 24 bậc đá, có một chiếu nghỉ ở bậc thứ 14; tay vịn chạy từ dưới lên theo bậc, từ chiếu nghỉ lên sân Tam Bảo tay vịn được trang trí bằng rồng đá có hình dáng tương đối giống rồng thời Lý, hướng rồng đá như chạy từ trên sân tam bảo xuống, trông rất uy nghiêm, dũng mãnh.
Tam Bảo Linh Sơn Thủy Từ và đền thờ Nàng Han
Lên Tam Bảo
Từ cổng vào Tam Bảo du khách phải đi tản về hai bên do Bức bình phong đá tuyệt đẹp, càng ngắm, càng có cảm giác như bị mê hoặc, do hội tụ được những điều thần bí của phong thủy đặt trên sân. Bức bình phong có dạng cuốn thư đá được điêu khắc tỉ mỉ, tinh sảo nhưng cũng đầy chắc chắn, vững trãi. Bình phòng chủ đạo là cuốn thư mặt đối diện với đường lên là chữ hán “” có nghĩa là “Phúc” viền trên được trang trí “lưỡng long chầu nguyệt”, xung quanh cuốn được trạm trổ “Tùng – Cúc – Trúc – Mai” bố trí hợp lý, đẹp mắt. Bình phong tạo thành các yếu tố “triều”, “án”, có chức năng chủ yếu là gia tăng tính bền vững của cuộc đất, ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi cho Tam Bảo. Ngoài ra bình phong còn thêm chức năng trang trí mỹ thuật.
Bức Bình Phong đền thờ Nàng Han
Bức Bình Phong
Tam Bảo là Đền thờ Linh Sơn - Thủy Từ, đền thờ thần sông, thần suối có vị trí được đặt tại vị trí trung tâm, cao nhất so với những công trình còn lại. Tam bảo được xây mới gồm 3 gian có diện tích 64,68m2, dạng chữa “” chữ Tam, gian giữa có hậu cung, được xây cao hơn với kiến trúc nhiều 2 tầng, 8 mái, tường hậu có lỗ thoát khói được xây dựng đảm bảo không bị nước hắt vào. Ngay tại sân lớn trước cửa Đền có đặt Lư hương và đôi cây đèn bằng đá được chạm khắc điêu luyện. Du khách khi vào Đền thắp hương tại lư hướng lớn này và không thắp hướng nén trong đền để đảm bảo mỹ quan và môi trường, trong Đền đã thắp hương vòng đó là thông báo của Bản quản lý Đền.
Tam bảo thờ Linh Sơn - Thủy Từ
Sau khi từ Tam Bảo xuống, rẽ trái để đến Đền Nàng Han, trên đường đi có nhà hóa vàng.  Đền Nàng Han có thấy  được phục dựng có diện tích 31,59m2, theo kiểu kiến trúc 1 gian 2 trái, gồm 4 mái. Trước Đền nàng Han có có đặt Lư hương và đôi cây đèn bằng đá phù hợp với không gian, điều đặc biệt ngay cạnh đèn cầy dịch về phía trước Đền là đôi ngựa đá lưng thắng yên và có vải phủ kín lưng trên có thêu hoa, lá, rồng…, cổ đeo một vòng chuông, dáng vẻ hiền lành chầu vào lư hương. Hình dáng của đôi ngựa đá béo tốt, hình khối căng tròn biểu hiện sự no đủ, sung túc.Từ đền Nàng Han đi ra phía trái thấy một giếng nước được xây toàn đã cuội suối. đường kính trong của giếng khoảng 1m, nước khá đầy và trong. Nhiều du khách múc nước rửa mặt với mong muốn làn da mịn màng, đẹp như nàng Han.
Đền thờ nàng Han
Đền thờ nàng Han
Đi dạo quanh khu vực trước Đền chúng ta còn được ngắm khung cảnh tuyệt đẹp sơn thủy hữu tình phía trước. Nhìn xuống dòng sông Đà đoạn được tích nước cho hồ thủy điện Sơn La, thấy doi đất như một chú kỳ nhông khổng lồ vươn mình ra lòng hồ uống nước với sống lưng là những gai màu sắc sặc sỡ ấy là những mái nhà sàn san sát nhau sau khi xây dựng hồ chứa thủy điện Sơn La. Đưa mắt ra xa bức tranh sơn thủy bất tận hiện ra, núi trùng trùng điệp điệp, bao quanh hồ, lòng hồ lại có những ngọn núi ngập không hết nổi lên tạo thành những đảo với mầu xanh sẫm, cứ thế sơn và thủy hòa quyện nhau, nối dài bất tận. Mặc dù mênh mông nhưng không gian ở đây không có vẻ vắng lặng, yên tĩnh mà như đang chuyển mình bởi không chỉ có những mái nhà đủ màu sắc xen kẽ những tản đồi xanh mà trên mặt hồ những chiếc thuyền lưu thông qua lại, đánh bắt, chăn thả cá…
Sông đà trước Linh Sơn Thủy Từ và đền thờ Nàng Han
Sông đà trước Linh Sơn Thủy Từ và đền thờ Nàng Han 
Trong khung cảnh thơ mộng chốn linh thiêng lại được nghe truyền thuyết về Nàng Han. Truyền thuyết kề lại rằng Nàng Han là con gái duy nhất của chúa đất người Khơ Mú ở Chiềng Phung (Quỳnh Nhai ngày nay). Nàng có tài kiếm, cung vô địch. Nàng xin cha được giả trai và luyện tập cùng quân lính. Cha nàng thuận ý và đặt tên con trai cho nàng là Khum Chương.
Khi giặc phương Bắc tràn sang xâm lược, chúa đất chọn chủ tướng cầm quân ra trận. Trong cuộc thỉ đấu quyết liệt Khum Chương đã thắng và được phong làm Chủ tướng và một người đứng sau làm Phó tướng là Khum Lụm. Khum Chương cùng Phó tướng dẫn quân ngược sông Đà, sông Nậm Na (thuộc Lai Châu ngày nay) đánh đuổi giặc phương Bắc qua Chiềng Sa (xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đến Si Xoong Pa Na (Mường Là - Trung Quốc) rồi quay về.
Về nhà đúng 30 Tết, nàng làm lễ cúng áp Mố Chiêng - Tắm gội 30 Tết. Tắm gội xong thì lại nghe tin giặc giữ phương Bắc sang cướp phá ở Mường Lò (Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái). Nàng lại mặc giáp bào, trở thành Khum Chương cùng Phó tướng Khum Lụm cầm quân xuôi sông Đà vào Bắc Yên, vượt núi vào Phù Yên tiến vào Mường Lò đánh đuổi quân giặc chạy tan tác.
Mó nước Nàng Han
Mó nước Nàng Han
Khum Chương cùng quân lính tiến quân khải hoàn trở về, đến Mường Pùa (xã Tường Phù ngày nay) cho quân sĩ nghỉ lại. Một buổi chiều Khum Chương và phó tướng Khum Lụm cưỡi ngựa đi chơi, qua khe suối có nước trong vắt, Khum Chương cúi xuống đưa tay vục nước uống; có ngờ Khum Lụm nhìn thấy vú nàng. Biết nàng là con gái giả trai, Khum Lụm uất ức phải làm phó cho một nữ nhi nên hô lính đuổi giết Khum Chương.
Khum Chương quay lại rút kiếm chém chết Khum Lụm và thốc ngựa chạy vào rừng sâu. Thấy quân lính hỗn loạn, Khum Chương dừng ngựa ngửa mặt kêu trời. Trời thương nên thả nôi mây xuống đón hồn nàng lên trời và cho dội một trận mưa phôn chăng (bây giờ gọi là mưa axít) bỗng xác Khum Chương và quân lính đã biến thành đá.
Sau khi Khum Chương chết, Tạo Mường và dân bản đã trả lại tên con gái cho nàng là Nàng Han. Nhớ công ơn nàng đánh đuổi giặc cứu Mường nên người dân cùng Tạo Mường đã làm cho Nàng một cỗ quan tài quý, đặt hình nhân, xếp mộ đá giả cho Nàng và làm miếu thờ cúng hàng năm vào ngày rằm tháng 3 (âm lịch).
Đi thăm Linh Sơn Thủy Từ và Đền nàng Han bớt chút thời gian thăm thú những khu vực lân cận cũng thấy rất tuyệt vời.
Cách Linh Sơn Thủy Từ và Đền nàng Han khoảng 6KM về phía đầu tuyến QL279 là cầu Pá Uôn, cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam bắc qua Sông Đà.  Cầu dài hơn 1,4 km, trong đó phần cầu chính dài gần một km; rộng 9 m. Cầu gồm hai mố và 11 trụ, trong đó trụ chính cao hơn 98 m. Nếu tính từ cao độ đáy sông lên đến cao độ mặt cầu là gần 104 m. Đối với mùa lễ hội, du khách có thể đứng trên cầu xem đua thuyền. Lê hộ tổ chức vào ngày Mùng 10 tháng Giêng hàng năm, với mục đích khôi phục, duy trì nét đẹp và bản sắc văn hóa truyền thống, tạo bầu không khí thi đua sôi nổi, đoàn kết dân tộc, tạo ra nét văn hóa mới của Quỳnh Nhai.
Cầu Pá Uôn - cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam
Cầu Pá Uôn - cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam
Hồ thủy điện Sơn La tích nước vùng lòng hồ mênh mông, rộng lớn. Quanh năm, làn nước giữ một màu xanh trong như ngọc, khung cảnh yên bình, tuyệt đẹp, đủ sức hấp dẫn, níu chân bất cứ du khách nào đến với Quỳnh Nhai. Nhất là được đi du thuyền trên mặt hồ và được thưởng thức các điệu múa của các cô gái Thái xinh đẹp, duyên dáng, những làn điệu dân ca Thái cùng tiếng đàn tính tẩu ngân cả làm say đắm lòng người. Hồ thủy điện Sơn La là Hồ chứa nước rộng nhất. Nếu tích nước đến cao trình, diện tích lưu vực của hồ sẽ phủ rộng 43.760 km2 thuộc địa phận của ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Hồ có vị trí chiều rộng lớn nhất khoảng 1,5km, chiều dài lòng hồ tính từ đập ngăn đặt tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La của tỉnh Sơn La ngược lên phía thượng nguồn đến thị xã Mường Lay của tỉnh Lai Châu vào khoảng 120km, dung tích hồ chứa sẽ đạt 9,26 tỷ m3 nước (lớn hơn dung tích hồ Thuỷ điện Hòa Bình là 9 tỷ m3 nước). Theo Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La, tổng số dân phải di chuyển là 20.260 hộ, 95.733 khẩu, trong đó, tỉnh Sơn La là 12.500 hộ, 61.509 khẩu; tỉnh Điện Biên 4.436 hộ, 17.805 khẩu và tỉnh Lai Châu 3.324 hộ, 16.419 khẩu. Tuy nhiên Hồ cũng phải đối mặt với mực nước thấp do tác động của biến đối khí hậu. Theo tin từ Công ty Thuỷ điện Sơn La vào cuối năm 2015 tình hình lưu lượng nước về hồ thủy điện Sơn La thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm trước, từ đó thời điểm này tháng 5/2016 là mùa khô lên tình trạng mực nước xuống thấp càng thể hiện rõ.
Hồ thủy điện Sơn La - có thể nhìn thấy rõ mực nước thấp
Hồ thủy điện Sơn La - có thể nhìn thấy rõ mực nước thấp
Những người có thú chụp ảnh, đặc biệt chụp ảnh trên khung cảnh như kiểu “Cao nguyên đá” thì có thể đi dọc theo QL279 về phía Tuần Giáo để tìm những vị trí chụp khá đẹp. Theo quan sát đoạn ta luy 2 bên đầu KM 271-QL279 có bãi đá rất đẹp và đường lên cũng rất dễ dàng đặc biệt có một ngọn gần đường phía trái tuyến rất đẹp, vẻ đẹp tự nhiên mà ngỡ như có bàn tay của con người xếp đặt.
Một non bộ tự nhiên ven đường QL279
Một non bộ tự nhiên ven đường QL279
"Cao nguyên đá" cạnh QL279
"Cao nguyên đá" cạnh QL279
Được trải nghiệm Linh Sơn Thủy Từ - Đền thờ Nàng Han có một ý nghĩa riêng đối với tôi. Đó là những điều tôi biết về nơi này. Các bạn có muốn trải nghiệm không?./.

Xem thêm