Giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

NGUYỄN VĂN BÁCH
4/11/2015

Năm 1959, ông Hoàng cho gia đình chị gái, anh rể là bà Thị và ông Vương canh tác 03 sào ruộng tại xã X huyện K. Năm 1966, bà Thị chết. Năm 1978, ông Vương lấy bà Hoa đến năm 1980 thì sinh được một người con là Văn. Năm 1999, ông Vương chết. Kể từ khi bà Thị chết, ông Vương vẫn tiếp tục canh tác trên thửa ruộng mà ông Hoàng cho mượn. Sau khi ông Vương chết, bà Hoa và anh Văn tiếp tục canh tác trên toàn bộ diện tích đó. Trong suốt thời gian từ năm 1959 (khi ông Hoàng cho vợ chồng bà Thị, ông Vương mượn đất canh tác) đến năm 2005 không xảy ra bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến thửa đất này. Nhưng đến tháng 7/2005, do đã có đông con nhiều cháu nên ông Hoàng đến yêu cầu mẹ con bà Hoa, anh Văn trả lại diện tích đất mà ông đã cho bà Thị và ông Vương mượn canh tác từ năm 1959. Hiện nay, diện tích đất này chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, mẹ con bà Hoa cho rằng đây là tài sản của ông Vương để lại, mẹ con bà không biết việc ông Vương mượn đất của ông Hoàng nên không có nghĩa vụ phải trả lại đất cho ông Hoàng. Không thỏa thuận được, ông Hoàng làm đơn gửi Chủ tịch UBND xã đề nghị can thiệp, giải quyết quyền lợi cho mình. Chủ tịch UBND xã cần giải quyết đơn của ông Hoàng như thế nào?


Trả lời tham khảo:


Đây là vụ việc tranh chấp đất đai có tính chất phức tạp do các yếu tố lịch sử trong quan hệ cho mượn đất giữa các đương sự và cả thực trạng quản lý đất đai trong nhiều năm trước đây. Do đó, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của cấp xã, để giải quyết vụ việc này, Chủ tịch UBND cấp xã cần đánh giá đúng tính chất vụ việc, trên cơ sở đó thực hiện các biện pháp phù hợp với thẩm quyền của mình, cụ thể là: 
Về tính chất vụ việc và cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với đất cho mượn: Theo quy định tại Điều 136 Luật Đất đai năm 2003, đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Toà án chỉ giải quyết tranh chấp nếu một hoặc các bên xuất trình được một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003. Trong tình huống này, diện tích đất tranh chấp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do đó, vụ việc sẽ không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án theo thủ tục tư pháp mà thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện theo thủ tục hành chính (theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003). 
Với tính chất vụ việc như vậy, Chủ tịch UBND xã cần giải thích rõ cho ông Hoàng hiểu là cơ quan có thẩm quyền giải quyết lần đầu về tranh chấp quyền sử dụng đất mà ông đã cho mượn là UBND cấp huyện. Tuy nhiên, trước khi ông Hoàng gửi đơn lên UBND cấp huyện thì UBND cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện việc hoà giải giữa các bên tranh chấp theo quy định tại khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai năm 2003. 
Trách nhiệm của UBND xã trong hoà giải tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông Hoàng và bà Hoa: 
UBND xã X có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận TQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hoà giải tranh chấp đất đai. Thông thường, việc hoà giải do Chủ tịch UBND xã X hoặc một Phó Chủ tịch UBND xã chủ trì, có sự tham gia của cán bộ địa chính xã X, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có thể có sự tham gia của đại diện Hội Phụ nữ xã, đại diện Hội Cựu chiến binh, đại diện Đoàn Thành niên của xã X. Thời hạn hoà giải là ba mươi ngày làm việc, kể từ ngày UBND xã X nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp của ông Hoàng. 
Kết quả hoà giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận của UBND xã X. Trường hợp kết quả hoà giải khác với hiện trạng sử dụng đất thì UBND xã X chuyển kết quả hoà giải đến UBND huyện K để giải quyết theo quy định về quản lý đất đai.

Xem thêm