Giải pháp nâng cao chất lượng công tác bồi thường, GPMB dự án cấp huyện

NGUYỄN VĂN BÁCH
5/05/2015

Nâng cao chất lượng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cấp huyện
Trong những năm qua, nhiều dự án được triển khai và nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng góp phần cơ bản cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân. Tuy nhiên tới thời điểm hiện nay còn khá nhiều dự án dở dang, không có mặt bằng thi công, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng đang gặp những vướng mắc khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời cũng do tiến độ chậm đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống ăn ở, sinh hoạt cho các hộ dân nằm trong vùng qui hoạch thực hiện dự án. 

Những nguyên nhân ảnh hưởng tới công tác giải phóng mặt bằng có nhiều song một trong những nguyên nhân căn bản là do bộ máy làm công tác này còn thiếu và yếu, thiếu tính chuyên nghiệp dẫn tới quá trình triển khai thực hiện gặp rất nhiều vướng mắc khó khăn như: quá trình kiểm kê thiếu bài bản, chưa có một qui trình cụ thể, rõ ràng, việc áp giá tính toán bồi thường còn để phát sinh sai sót dẫn đến những khiếu kiện của nhân dân sau khi phương án bồi thường đã được phê duyệt; trước khi Tổ chức phát triển quỹ đất ra mắt đi vào hoạt động hầu hết thành viên hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, Tổ chức phát triển quỹ đất đi vào hoạt động lại chưa có biên chế, nhân lực chủ yếu là hợp đồng ngắn hạn bằng nguồn thu của đơn vị, chuyên môn còn nhiều lúng túng lên cũng khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. 

Bên cạnh những nguyên nhân trên các chế độ chính sách về lĩnh vực này còn nhiều bất cập, được thay đổi thường xuyên nhưng chưa có sự tổng hợp thống kê để thực hiện cũng như chỉnh sửa cho phù hợp. Từ những thực tế khách quan đòi hỏi phải có những chuyển biến căn bản trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nói riêng và công tác quản lý đất đai nói chung.  Việc đổi mới nâng cao chất lượng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cần được xác định là việc làm quan trọng và rất cần được quan tâm thực hiện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội ổn định an ninh quốc phòng trong thời gian tới, với mục tiêu sau:

Đảm bảo nâng cao chất lượng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo tiến độ và việc tuân thủ các quy định pháp luật đất đai liên quan góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện.

Để các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư biết và chấp hành đúng quy định pháp luật về quy hoạch sử dụng đất hàng năm, giai đoạn; chủ động quản lý, triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch sử đụng đất, đồng thời thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong lĩnh vực đất đai có liên quan.

Nâng cao chất lượng đối với hồ sơ, thủ tục về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và việc thực điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nghiệm thu, bàn giao mặt bằng sạch, đăng ký chỉnh lý hồ sơ hồ sơ biến động về đất.

I. NHỮNG YÊU CẦU CƠ BẢN TRONG VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BỒI THƯỜNG, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG.

1. Triển khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với các dự án theo có chủ trương đầu tư hoặc đã được phê duyệt.

2. Quản lý không để xảy ra tình trạng như: Tự ý di dời, phá hoại mốc giới, chỉ giới, lấn chiếm đất đai, phát sinh tài sản gắn liền với đất (trừ cây ngắn ngày) trên đất thuộc diện bị giải tỏa sau khi đã có thông báo chủ trương thu hồi đất hoặc có danh mục quy hoạch sử dụng đất hàng năm.

3. Các dự án có chủ trương đầu tư hoặc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ đầu tư phải báo cáo UBND huyện để công bố kế hoạch thực hiện dự án, thông báo chủ trương thu hồi, phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư theo quy định.

4. Theo dõi chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất giai đoạn và hàng năm, kịp thời tham mưu đề xuất với cấp có thẩm quyền để điều chỉnh, bổ sung những vấn đề chưa phù hợp với thực tế phát triển của huyện.

5. Thường xuyên cập nhất các chế độ chính sách về lĩnh vực đất đai trong đó có công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tổng hợp thống kê để thực hiện cũng như áp dụng cho phù hợp tình hình địa phương.

II. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN TRONG CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

3. Những yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ công tác GPMB trên địa bàn huyện:

- Thực trạng quản lý đất đai, hay nói đúng hơn là hiệu lực pháp lý về quản lý đất đai của dự án. Dự án nào công tác quản lý đất đai tốt như đã hoàn chỉnh bản đồ địa chính có chất lượng, làm rõ nguồn gốc đất, công khai diện tích thu hồi tương ứng với hạn mức đất ở và đất canh tác theo quy định thì khâu đo đạc, xác định tính pháp lý của đất để áp giá bồi thường hoặc hỗ trợ, di chuyển tái định cư thường thuận lợi hơn. Trái lại, những dự án chưa tiến hành tốt những việc thuộc nội dung quản lý đất đai thường xuyên nói trên sẽ gặp không ít khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, chủ sở hữu hợp pháp, diện tích, ranh giới của khu đất giữa thực địa và hồ sơ giải thửa do mất nhiều thời gian để đối chiếu, xác minh. Mặt khác, mặc dù đã nhận được thông báo về chủ trương thu hồi đất và yêu cầu giữ nguyên hiện trạng đất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng, nhưng một số hộ dân vẫn tự ý trồng cây, cơi nới các công trình khiến việc thống kê, đền bù GPMB gặp không ít khó khăn.

- Khả năng tổ chức thực hiện và giải quyết các thủ tục hành chính trong GPMB như trích lục, trích đo địa chính, thu hồi đất, thẩm định giá, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

- Khả năng giải quyết các chế độ, chính sách đối với các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng, thái độ và năng lực của cán bộ, công chức của cơ quan có thẩm quyền khi tiếp xúc với dân trong quá trình giải quyết các chế độ, chính sách triển khai công tác GPMB. Những phức tạp này thường nảy sinh do việc không đạt được sự đồng thuận với người dân về mức giá đền bù, hoặc khi đạt được sự đồng thuận thì lại không có khả năng chi trả nên luôn gây khó khăn về sau và đòi hỏi phải thương lượng lại khi mức giá thị trường tăng. Sự am hiểu pháp luật, cách giải quyết nhanh gọn cùng với sự cảm thông, tôn trọng lợi ích của người dân, thấu hiểu được tâm lý và nguyện vọng của người dân khi thực thi công vụ của cán bộ, công chức sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng sự hợp tác của nhân dân trong vùng dự án nhằm tránh các phản ứng tiêu cực lây lan gây bất lợi cho tiến độ GPMB.

- Khả năng xử lý những vướng mắc phát sinh của các cơ quan chức năng. Thắc mắc của dân phần lớn tập trung ở kết quả đo đạc, nguồn gốc đất, hạn mức đất, đơn giá đền bù hoặc hỗ trợ, một số vấn đề phức tạp về đất đai do quá khứ để lại và về vị trí, chất lượng, giá cả loại đất hoặc giá cả tài sản trên đất...Trong bối cảnh đó, chỉ cần một trường hợp xử lý sai (do chưa am hiểu các quy định, thiếu trách nhiệm, chậm giải quyết, vô cảm, thiên vị, tiêu cực hoặc nhượng bộ vô nguyên tắc) dễ dẫn đến phản ứng dây chuyền, có thể toàn bộ phương án bồi thường bị đổ vỡ phải làm lại từ đầu...

Chính từ những sự bất đồng thuận với cách giải quyết các chế độ, chính sách và xử lý những vướng mắc phát sinh của các cơ quan chức năng mà người dân trong vùng dự án dường như không quan tâm đến việc GPMB và bất hợp tác với các các cán bộ, công chức của cơ quan chức năng đến làm việc. Đó là điểm đầu cho một xâu chuỗi phát sinh các vấn đề rắc rối khác kéo dài mà chính quyền phải tìm cách xử lý để hoàn thành công việc.

Trong trường hợp này, nếu chính quyền các xã không quyết liệt và triệt để xử lý dứt điểm vướng mắc và đảm bảo trật tự, an ninh trên địa bàn, chống các hành vi quấy rối thì tiến độ đầu tư dự án có thể bị chậm.

- Khả năng hoàn thành khu tái định cư, bố trí di dời mồ mả phục vụ cho công tác di dân, tái định cư và khu tái định cư được xây dựng có điều kiện bằng hoặc tốt hơn khu dân cư có đất bị thu hồi. 

- Khả năng tài chính và năng lực quản lý, điều hành của chủ đầu tư dự án trong quá trình tham gia triển khai công tác GPMB với tư cách là một thành viên trong Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoạc thuê tổ chức thực hiện việc bồi thường, GPMB. Chủ đầu tư phải có khả năng huy động tài chính, có thể tạm ứng, vay ngân sách để kịp thời chi trả bồi thường cho các hộ dân theo đúng kế hoạch, tiến độ đã được thông báo. Ngược lại, công tác bồi thường sẽ bị trì hoãn và có thể tạo ra sự bất bình, phản ứng tiêu cực, thiếu hợp tác và khiếu kiện trong nhân dân. Trong quá trình GPMB, sự tham gia tích cực, năng động của chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư cùng với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc có vai trò rất quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ GPMB.

- Công tác tuyên truyền chính sách về pháp luật, về đất đai, bồi thường, giải tỏa khi nhà nước thu hồi đất (công tác dân vận trong GPMB) chưa thường xuyên, sâu rộng, do đó sự hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế, không đồng đều nên có suy bì khi người bị thu hồi đất lại coi đất đang sử dụng vào mục đích nông nghiệp như đất phi nông nghiệp theo dự án đang triển khai, so sánh khiếu nại về chính sách và giá đền bù giữa người được áp dụng theo thời điểm đã ban hành chính sách cũ với người đang được thực hiện chính sách mới. Mặt khác, ý thức tự giác của nhân dân trong chấp hành quyết định thu hồi đất của Nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện các dự án trở nên nhạy cảm và phức tạp khi hình thành sự so sánh về thiệt thòi của mình khi đất do mình đang sử dụng bị thu hồi với khả năng sinh lợi cao hơn nhiều. Từ đó đã nảy sinh nhiều khiếu kiện của dân về mức bồi thường, hỗ trợ, đồng thời tạo nên tâm lý nặng nề khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để GPMB.

          4. Những giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án 

4.1. Tăng cường sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng từ huyện đến các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị.

Thực tiễn triển khai công tac bồi thường, hỗ trợ, tái định cư những dự án quan trọng , một trong những biện pháp đầu tiên để thực hiện có hiệu quả công tác di chuyển nhà ở, GPMB đó là sự trung tay, giúp sức của cả hệ thống chính quyền không chỉ ở cấp xã, mà còn ở cả cấp huyện. Nhận thấy tính quan trọng và cấp thiết của việc triển khai công tác GPMB trong các dự án, ngay từ những ngày đầu Huyện đã chỉ đạo thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện làm Chủ tịch hội đồng, đồng chí Giám đốc Tổ chức phát triển quỹ đất làm Phó Chủ tịch hội đồng; các đồng chí trưởng các phòng ban, đơn vị, mời các tổ chức chính trị xã hội, chủ tịch các xã liên quan làm thành viên; giao nhiệm vụ cho Tổ chức phát triển quỹ đất kiểm kê, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Việc thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện có ý nghĩa rất quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính quyền, tạo điều kiện triển khai công việc một cách đồng bộ, nhất quán và kịp thời đảm bảo đúng tiến độ.

Tăng cường sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng trong GPMB

4.2. Các ban xây dựng Đảng và các đoàn thể chính trị của các xã, thị trấn vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc GPMB phải được tiến hành thường xuyên, đồng bộ : Cán bộ được phân công nhiệm vụ trực tiếp tham gia đoàn công tác phải nắm chắc chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh liên quan đến chính sách bồi thường, đền bù đất đai, tài sản của nhân dân để giải thích có lý, có tình khi người dân có những thắc mắc, hoặc hiểu chưa đúng. Công tác tuyên truyền phải được tiến hành đồng bộ thống nhất từ huyện đến cơ sở; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đoàn thể phụ trách địa bàn, tuỳ từng địa bàn để phân công hợp lý. Xác định Khối Dân vận, MTTQ, các đoàn thể cơ sở giữ vai trò, vị trí quan trọng trong triển khai tổ chức thực hiện. Phải đi sâu đi sát cơ sở, địa bàn; chú trọng sử dụng lực lượng nòng cốt những cán bộ đoàn viên, hội viên gương mẫu; tranh thủ cán bộ hưu trí, người cao tuổi có uy tín, hội viên hội cựu chiến binh hoạt động cho công tác tuyên truyền. Các cấp uỷ Đảng và chính quyền tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân hiểu và thực hiện quyền và nghĩa vụ về luật đất đai; đảm bảo hài hoà lợi ích, trong đó phải hết sức coi trọng lợi ích của hộ gia đình làm nông nghiệp (như về giá đền bù, hoa màu...). Làm tốt việc động viên và khen thưởng cho những hộ và tập thể làm tốt.

4.3. Sự phối hợp giữa chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, các phòng, ban, ngành và cơ sở phải chặt chẽ, thống nhất.

Đơn vị thực hiện bồi thường, chính quyền cơ sở, chủ đầu tư và các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện bồi thường, GPMB và thi công. Thu thập, xử lý thông tin khiếu nại bố trí lực lượng phù hợp, thống nhất giải quyết sớm, dứt điểm  các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Những trường hợp phức tạp thành thành lập Tổ công tác, mời các Đơn vị thực hiện bồi thường; công an huyện và cơ sở; Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan cùng tham gia, kiểm tra hiện trường, phối hợp với chủ đầu tư để giải quyết các vướng mắc, hoàn thành việc bồi thường, GPMB. Thường xuyên tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm công tác GPMB; có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời các gia đình cán bộ và nhân dân gương mẫu, đi đầu trong việc bàn giao mặt bằng khi có quyết định thu hồi đất, các tổ chức, đoàn thể có thành tích trong công tác GPMB. Cần tổ chức kiểm điểm và có biện pháp, hình thức xử lý những cán bộ, đảng viên, hội viên, cố ý không chấp hành; những người cầm đầu khiếu kiện trái pháp luật, có hành động chống đối, cản trở công tác GPMB, nếu là cán bộ, đảng viên, công chức thì thông báo cho các tổ chức Đảng, các cơ quan biết để phối hợp xử lý. Với những hộ cố tình chống đối thì cần có thái độ cương quyết xử lý cưỡng chế GPMB, đồng thời để răn đe, tạo tiền đề và sự đồng thuận trong quá trình GPMB dự án trên địa bàn, xây dựng kế hoạch bảo vệ thi công và tổ chức thực hiện nếu cần thiết.

4.4. Việc tiếp thu, trả lời, giải quyết ý kiến, khiếu nại của nhân dân phải rõ ràng, cụ thể, chính xác và kịp thời.

Công khai dân chủ, bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Xác định rõ GPMB là liên quan trực tiếp đến quyền lợi vật chất thiết thực của người dân, nếu không làm tốt việc công khai, dân chủ sẽ rất dễ dẫn đến khiếu kiện làm chậm tiến độ GPMB. Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị phổ biến chế độ chính sách liên quan cho các hộ dân, mọi khoản bồi thường, hỗ trợ cần được tính toán cụ thể, chi tiết phổ biến cụ thể đến từng hộ có đất bị thu hồi để người dân được biết và kiểm tra được các khoản mà mình được nhận. Đặt lợi ích chính đáng của người dân bị thu hồi đất lên vị trí hàng đầu trong quá trình triển khai GPMB. Thường xuyên bám sát cơ sở, tăng cường đối thoại với nhân dân, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

4.5. Cần cung cấp đầy đủ các văn bản liên quan đến các dự án cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động và công khai để nhân dân biết.

Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chức năng cần thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Nhà nước và Tỉnh về trình tự, thủ tục, cơ chế, chính sách khi thu hồi đất; quan tâm giải quyết thỏa đáng các chế độ, chính sách mà người dân được hưởng; tăng cường công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, công tác GPMB và trật tự xây dựng trên địa bàn, xử lý kịp thời các vi phạm ngay từ ban đầu, không để phát sinh vụ việc phức tạp, kéo dài gây mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân.

Đối với công tác tái định cư cần công khai minh bạch chi, tiết khu vực tái định cư để những hộ dân trong khu vực giải tỏa được biết. Qua đó người dân có điều kiện bày tỏ nguyện vọng, đóng góp ý kiến trước khi rời đến khu tái định cư mới. Ngay từ việc lựa chọn vị trí địa lý khu vực định cư mới, đến công tác qui hoạch phải thuận lợi trong sinh hoạt và phù hợp với tập quán, ngành nghề của người dân địa phương. Cơ sở hạ tầng của khu tái định cư phải đồng bộ, hiện đại và tốt hơn so với nơi ở trước kia của người dân; việc triển khai xây dựng phải đảm bảo đúng tiến độ tránh tình trạng nhân dân phải ở tạm bợ chờ tái định cư. Khi quy hoạch phải xác định quy hoạch tái định cư gắn liền với các dự án đầu tư, chuẩn bị tái định cư phải đi trước một bước. Việc phân lô tái định cư phải xem xét đến tính phù hợp với điều kiện ở vùng nông thôn và thành thị. Cần có cơ chế hỗ trợ các hộ tái định cư được vay vốn ưu đãi để các hộ dân có điều kiện xây nhà ở. Cần tiến hành xác định cơ cấu lao động tại địa bàn, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, có kế hoạch đào tạo nghề; ưu tiên tuyển dụng lao động của những hộ bị mất đất sản xuất.



Trên cơ sở Luật đất đai 2013 và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành T.Ư gồm:
- Luật Đất đai 2013 (từ Điều 61 đến Điều 94);
- Các Nghị định của Chính phủ:
+ Số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
+ Số 44/2013/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về giá đất;
+ Số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về thu tiền sử dụng đất;
+ Số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về thu tiền thuê đất, mặt nước;
+ Số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (gồm 03 chương, 36 điều);
- Các Thông tư của các Bộ, ngành T.Ư:
+ Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất;
+ Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất;
+ Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất;
+ Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP về thu tiền SDĐ.

Xem thêm