Kho bạc nhà nước kiểm soát thanh toán chi phí tổ chức thực hiện GPMB

NGUYỄN VĂN BÁCH
11/02/2014

Kính gửi Bộ Tài chính. Tôi hiện công tác tại Ban quản lý dự án, Căn cứ theo TT 57/2010 ngày 16/4/2010: Căn cứ dự toán kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được duyệt, chủ đầu tư dự án, tiểu dự án chuyển toàn bộ kinh phí tổ chức tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011: Đối với dự án chưa có khối lượng thực hiện, việc tạm ứng vốn tối đa là 30% của tổng mức kế hoạch vốn được giao hàng năm. Cơ quan tôi được ngân sách bố trí vốn năm 2014 là 6 tỷ, tôi làm đề nghị tạm ứng 50% dự toán kinh phí tổ chức bồi thường hỗ trợ và tái định cư là 1,5 tỷ. Kho bạc nhà nước không tiếp nhận hồ sơ và yêu cầu tôi phải xác định sử dụng kinh phí bồi thường là bao nhiêu, sau đó lấy kế hoạch vốn trừ đi kinh phí bồi thường còn lại bao nhiêu thì mới được ứng 30% của kinh phí còn lại. Kính mong quý Bộ xem xét gỉai đáp cho tôi Kho bạc làm vậy có đúng không? Thực hiện thế nào mới đúng. Xin chân thành cám ơn.
Trả lời:
Theo quy định tại Thông tư 107/2007/TT-BTC ngày 7/9/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý thanh toán, quyết toán vốn đầu tư dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Thông tư số 57/2010/TT-BTC ngày 16/4/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc ngân sách nhà nước thì:
a. Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng có thể được lập thành dự án riêng, hoặc dự án thành phần trong dự án đầu tư hoặc không tách ra khỏi dự án đầu tư (một hạng mục trong dự án đầu tư)
b. Việc tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng thông qua Tổ chức được giao nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng (Hội đồng đền bù, Trung tâm phát triển quỹ đất) hoặc qua doanh nghiệp dịch vụ.
c. Chí phí tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được lập dự toán và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Mức vốn tạm ứng: theo kế hoạch thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đăng ký với KBNN nhưng không vượt kế hoạch vốn cả năm đã được bố trí. Việc tạm ứng vốn có thể thực hiện một lần hoặc nhiều lần căn cứ vào nhu cầu thanh toán vốn tạm ứng.
d. Nguồn kinh phí để lập dự toán tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được trích từ dự án không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ của dự án hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND cấp tỉnh theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 57/2010/TT-BTC).
e. Việc sử dụng, hạch toán khoản kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, GPMB thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 6 Thông tư số 57/2010/TT-BTC)
Kho bạc Nhà nước thực hiện chuyển tiền thanh toán cho Tổ chức thực hiện bồi thường, GPMB. Người đứng đầu Tổ chức được giao thực hiện bồi thường, GPMB có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, GPMB của dự án, tiểu dự án theo đúng nội dung và mức chi trong dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Kho bạc nhà nước kiểm soát thanh toán chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng trên cơ sở dự toán được duyệt, kế hoạch vốn được giao, đề nghị thanh toán của Chủ đầu tư. Như vậy Kho bạc nhà nước không kiểm soát các khoản chi của chi phí tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng trên tài khoản thanh toán vốn đầu tư khi rút dự toán.
Từ cơ sở trên, căn cứ tình hình và nhu cầu thực tế cần để chi cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, Chủ đầu tư đề nghị KBNN thanh toán chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư theo dự toán được duyệt. KBNN căn cứ vào Kế hoạch vốn được giao, Dự toán chi phí tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Đề nghị thanh toán (theo dự toán được duyệt), chuyển tiền cho tổ chức được giao nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đề nghị của Chủ đầu tư.
Trường hợp Chủ đầu tư vừa là Tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng mở tài khoản tiền gửi tại KBNN, thì Chủ đầu tư đề nghị KBNN chuyển tiền từ tài khoản dự toán sang tài khoản tiền gửi của Chủ đầu tư để chi cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Văn bản liên quan: 107/2007/TT-BTC

Nguồn: Mof.gov.vn

Xem thêm