GPMB - kinh nghiệm từ nước ngoài

NGUYỄN VĂN BÁCH
3/16/2014

Theo bài 25/08/2011 (Báo Xây dựng): Kỳ 1: GPMB - kinh nghiệm từ nước ngoài 

Hiện trạng hệ thống giao thông của Hà Nội được đánh giá là còn quá nhiều bất cập trên nhiều lĩnh vực từ quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, đến quản lý, tổ chức giao thông.

Trung Quốc dùng nhà nước để quyết định hoàn toàn từ quy hoạch, giải toả tới đền bù.
Thẳng thắn nhìn vào thực tế nội tại của đất nước ta cho thấy còn quá nhiều bất cập, từ quy hoạch đến giao dự án, thu hồi đất và giải toả mặt bằng. Các chế tài mang tính pháp luật vẫn chưa có, hoặc có nhưng hiệu lực không cao.
Trong khi đó ở các nước phương Tây, việc giải toả tại các trục đường và nút giao thông được giải quyết theo cơ chế thị trường và quyết định tư pháp. Ngay khi bắt đầu tiến hành công tác quy hoạch và lập dự án, các nhà đầu tư và chính quyền đều lấy ý kiến của người dân. Trước đó nữa, công tác tuyên truyền phổ biến đã được nhà đầu tư và nhà chức trách thực hiện rất tốt. Các phiếu lấy ý kiến của người dân được phát ra, phiếu trưng cầu dân ý dưới dạng ủng hộ và không ủng hộ. Đặc biệt tại các nước Đức, Pháp, Anh... nguyên tắc dân chủ được đưa lên hàng đầu, ý kiến của người dân hết sức được tôn trọng.
Sau cả quá trình quy hoạch và lập dự án có sự tham gia của người dân (quy hoạch cộng đồng), các nhà đầu tư sẽ nhận chuyển nhượng từ người dân một cách hết sức đơn giản. Người dân hiểu và việc đền bù, di dời, giải toả diễn ra hết sức nhẹ nhàng. Thi thoảng cũng có trường hợp phản kháng dự án bằng cách đòi giá trị đền bù cao hơn. Trường hợp này nhà đầu tư và chủ sở hữu đưa ra toà án khu vực để giải quyết như giải quyết một vụ tranh chấp dân sự. Phán quyết về giá cả đền bù sẽ do toà án quyết định, chủ đầu tư và người dân đều phải tuân thủ phán quyết này.
Đối với Trung Quốc, một đất nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, vấn đề này xử lý mềm mại hơn và mang tính hành chính nhiều hơn. Các quyết định hành chính của Trung Quốc rất rõ ràng, hiệu lực quy hoạch thực hiện rất tốt. Khi có quyết định quy hoạch, việc thực hiện quy hoạch này gần như là thực hiện luật pháp. Các công việc giải toả hay phương án quy hoạch hoàn toàn được áp đặt bằng phương pháp hành chính. Quy trình này đỡ tốn thời gian hơn, ngắn hơn quy trình của các nước phương Tây nhưng với điều kiện quy hoạch phải rất tốt. Trung Quốc dùng nhà nước để quyết định hoàn toàn từ quy hoạch, giải toả tới đền bù.
Nhìn lại ở Việt Nam điều kiện áp dụng biện pháp này là hết sức khó khăn vì trình độ dân trí của dân còn thấp kém. Tính chấp hành luật pháp chưa nghiêm. Trình độ quản lý và xử lý chưa rạch ròi, minh bạch. Mọi sự can thiệp của chính quyền chủ yếu là thuế và thị trường.
Các nhà quản lý Trung Quốc nhận xét, quản lý ở Việt Nam gần với thị trường hơn Trung Quốc (thu hồi đất thực hiện bồi thường, giải toả), nên sử dụng cơ chế tự điều chỉnh của thị trường. Những bất cập tại Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực này còn quá nhiều, từ quy hoạch đến giao dự án, thu hồi đất và giải toả mặt bằng, tổ chức thi công giám sát lỏng lẻo nên chất lượng các công trình không cao. Hiện nay cơ chế chủ yếu là: Không có quy chế rõ ràng cho việc quản lý; tiền bồi thường chiếm 80% giá trị dự án; tiền xây dựng chiếm chỉ 20%... Đây là một trong những bất cập lớn, tạo điều kiện cho tham nhũng, lãng phí trong các dự án, bên cạnh đó văn bản pháp lý mang tính pháp luật chưa rõ ràng, thiếu tính khả thi.
Nguyễn Huy Cường

Xem thêm