Xếp lương viên chức khi tuyển dụng và thăng hạng

NGUYỄN VĂN BÁCH
11/28/2013

(Theo Chinhphu.vn) - Từ tháng 7/2007, ông Khổng Tuấn Minh (ktm.ttptqdyb@...) bắt đầu làm việc tại Văn phòng Đăng ký đất đai và Tổ chức phát triển quỹ đất của tỉnh theo chế độ hợp đồng lao động. Ông Minh đóng BHXH từ tháng 5/2008-8/2011, hưởng 100% lương hệ cao đẳng bậc 1 (hệ số 2,10).
Ảnh minh họa
Theo quyết định của UBND tỉnh, ngày 1/9/2011 Văn phòng Đăng ký đất đai và Tổ chức phát triển quỹ đất tỉnh được chia tách thành Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và Trung tâm Phát triển quỹ đất.
Từ tháng 9/2011 đến tháng 5/2012, ông Minh tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động tại Trung tâm Phát triển quỹ đất, có đóng BHXH bắt buộc; hưởng 100% lương bậc 1, hệ số 2,10.
Ngày 16/5/2012, ông trúng tuyển vào viên chức Trung tâm Phát triển quỹ đất. Quyết định trúng tuyển có hiệu lực kể từ tháng 5/2012, ông được miễn chế độ tập sự, hưởng 100% lương bậc 1, ngạch viên chức loại A0, hệ số lương 2,10 và thời gian xét nâng lương lần sau được tính từ ngày 16/5/2012.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tháng 6/2013 ông Minh xin chuyển loại viên chức. Trong suốt quá trình công tác, ông đều làm việc đúng chuyên ngành Quản lý đất đai được đào tạo.
Ông Minh hỏi: Khi được tuyển dụng vào viên chức, Trung tâm Phát triển quỹ đất xếp lương cho ông như đã nêu trên có đúng không? Quy định về xếp lương, tính thời gian nâng bậc lương lần sau khi chuyển loại viên chức như thế nào?
Trường hợp của ông có được áp dụng khoản 3 Điều 10 Thông tư số 15/2012/TT-BNV để xếp lương bậc 2 viên chức A1 (hệ số 2,67) ngay sau khi có quyết định chuyển loại viên chức không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Minh hỏi như sau:
Cơ sở xếp lương
Trước ngày 15/2/2013, theo quy định tại Mục 2, Phần II Thông tư số 04/2007/TT-BNV ngày 21/6/2007 của Bộ Nội vụ, đối với trường hợp khi được tuyển dụng vào các đơn vị sự nghiệp của các Nhà nước đã có thời gian công tác liên tục có đóng BHXH trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước hoặc trước đây là cán bộ, công chức sau đó chuyển ra làm ở các khu vực khác ngoài Nhà nước, nay được tuyển dụng và bố trí làm việc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì quá trình công tác có đóng BHXH được xem xét để làm cơ sở xếp ngạch, bậc lương phù hợp với vị trí được tuyển dụng.
Ngày 25/12/2012, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 15/2012/TT-BNV hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/2/2013, thay thế Thông tư số 04/2007/TT-BNV.
Theo khoản 3, Điều 10 Thông tư số 15/2012/TT-BNV, thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc của người được tuyển dụng đã làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng (nếu có) tính vào thời gian xét nâng lương lần sau khi bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp.
Theo khoản 3 và điểm a, khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ, việc xếp lương khi chuyển loại viên chức (hiện nay gọi là thăng hạng viên chức) thực hiện như sau:
Trường hợp viên chức đủ tiêu chuẩn và điều kiện được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển loại viên chức từ loại A0 sang loại A1; từ loại B, loại C sang loại A (gồm A0 và A1) hoặc từ loại C sang loại B thì thực hiện như cách xếp lương khi nâng ngạch, trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới.
Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.
Xếp lương theo chỉ tiêu tuyển dụng và cơ cấu viên chức
Trường hợp ông Khổng Tuấn Minh, vào thời điểm ông được tuyển dụng, bổ nhiệm và xếp lương vào ngạch viên chức (16/5/2012) áp dụng Mục 2 Phần II Thông tư 04/2007/TT-BNV. Theo đó, thời gian đã công tác đúng chuyên môn nghiệp vụ có đóng BHXH của ông Minh được xem xét để làm cơ sở xếp ngạch, bậc lương phù hợp với vị trí được tuyển dụng.
Nhưng trên thực tế, việc xem xét để ra quyết định xếp lương còn phải phụ thuộc vào các yếu tố khác như chỉ tiêu tuyển dụng, cơ cấu viên chức, quỹ tiền lương của đơn vị… bởi vậy, khi đó ông Minh chỉ được miễn thực hiện chế độ tập sự, xếp vào ngạch viên chức loại A0 đúng với trình độ Cao đẳng, hưởng 100% bậc 1 hệ số 2,1; thời gian nâng bậc lần sau tính từ khi được bổ nhiệm ngạch viên chức. So sánh với quy định là có thiệt thòi, nhưng đã qua 12 tháng kể từ khi được tuyển dụng ông Minh không có yêu cầu xem xét lại việc xếp lương.
Sau khi tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành đang công tác, tháng 6/2013 ông Minh làm đơn và hồ sơ xin chuyển loại viên chức (mà không có yêu cầu xem xét lại việc xếp lương khi tuyển dụng). Áp dụng quy định tại khoản 3 và điểm a, khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV, căn cứ vào mức lương ông Minh đang hưởng ở ngạch viên chức loại A0 là bậc 1, hệ số 2,1; ông được chuyển loại viên chức A1, xếp lương vào bậc 1, hệ số 2,34 (theo bảng lương số 3, ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP).
Do chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ (2,34 - 2,10 = 0,24) nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ (0,31), nên thời gian xét nâng lương ông Minh được tính kể từ ngày hưởng lương bậc 1 ở ngạch cũ (tháng 5/2012). Đến tháng 5/2015 ông Minh đủ thời gian (đủ 36 tháng) để xét nâng lương bậc 2, hệ số 2,67, ngạch viên chức loại A1.
Khoản 3 Điều 10 Thông tư số 15/2012/TT-BNV quy định, thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc của người được tuyển dụng đã làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng được tính vào thời gian xét nâng lương lần sau khi bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp (áp dụng khi tuyển dụng vào viên chức). Quy định này không áp dụng để xếp lương khi chuyển loại (thăng hạng) viên chức và tính thời gian nâng bậc lương lần sau khi viên chức đang làm việc được chuyển loại (thăng hạng).
Việc xếp lương khi viên chức chuyển loại từ A0 lên loại A1 (nay gọi là thăng hạng) và tính thời gian nâng bậc lương lần sau khi viên chức chuyển loại (thăng hạng) áp dụng quy định tại khoản 3 và điểm a, khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Xem thêm