Cơ chế bồi thường, GPMB, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất

NGUYỄN VĂN BÁCH
11/10/2013


Trong các nội dung đổi mới của Luật Đất đai 2003, vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được nhiều người quan tâm. GS.TSKH Đặng Hùng Võ - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có bài viết giới thiệu khá đầy đủ nội dung của vấn đề trên.
Pháp luật về đất đai hiện hành quy định: Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng để phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; khi thu hồi đất, Nhà nước sẽ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi để giải phóng mặt bằng. Trong quá trình triển khai công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, phát triển công nghiệp và dịch vụ, hiện đại hóa lực lượng quốc phòng và an ninh đòi hỏi quỹ đất khá lớn mà Nhà nước cần thu hồi. Mức trung bình trong mỗi năm qua Nhà nước đã cho chuyển khoảng 50.000 ha đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xây dựng mặt bằng sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.
Nói chung, ý thức tự giác của nhân dân ta khá cao trong chấp hành quyết định thu hồi đất của Nhà nước vào mục đích quốc phòng, an ninh, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật (như đường giao thông, công trình thủy lợi, v.v...), xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội (như trường học, bệnh viện, sân vận động, công viên, chợ, v.v...). Nhiều trường hợp người bị thu hồi đất chịu thiệt thòi ít nhiều trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng vẫn vui lòng vì mong muốn được đóng góp chung để xây dựng một xã hội văn minh hơn.
Vấn đề này trở nên nhạy cảm và phức tạp hơn khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế (vì lợi ích quốc gia) nhằm xây dựng các khu công nghiệp, khu dịch vụ, mặt bằng sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Quy luật giá trị bắt đầu tác động vào tư tưởng của người có đất bị thu hồi rồi hình thành nên sự so sánh về thiệt thòi của mình khi đất do mình đang sử dụng được giao cho người khác với khả năng sinh lợi cao hơn nhiều. Từ đó đã nảy sinh nhiều khiếu kiện của dân về mức bồi thường, hỗ trợ, đồng thời tạo nên tâm lý nặng nề đối với nhà đầu tư khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng.
Có thể nói rằng, cơ chế thực hiện việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành có nhiều nhược điểm:
Một là, vấn đề xác định giá đất để tính bồi thường cho người bị thu hồi đất chưa được quy định theo một chuẩn mực nhất quán; có nhiều quyết định của UBND về giá đất để tính bồi thường còn thiếu cơ sở; nói chung, người bị thu hồi đất nông nghiệp thường chịu thiệt thòi, người bị thu hồi đất phi nông nghiệp thường được lợi.
Hai là, việc thu hồi đất được tiến hành theo dự án, công trình đã được phê duyệt cho nên người bị thu hồi đất lại coi đất đang sử dụng vào mục đích nông nghiệp như đất phi nông nghiệp theo dự án đang triển khai.
Ba là, nhà đầu tư dự án, công trình phải làm việc với rất nhiều đối tác để thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; nhiều trường hợp phải làm việc với UBND của cả ba cấp tỉnh, huyện và xã, làm việc với ban bồi thường giải phóng mặt bằng, làm việc với những người có đất bị thu hồi; không ít trường hợp phải chi phí đóng góp thêm cho địa phương, chi thêm ngoài phương án cho người có đất bị thu hồi...
Bốn là, thu hồi đất nhưng không ưu tiên trả bằng đất mà thường trả bằng tiền, những trường hợp phải tái định cư cho người bị thu hồi đất ở đối với các dự án lớn chưa được giải quyết thỏa đáng, điều kiện khu tái định cư không bằng khu dân cư có đất bị thu hồi.
Năm là, không bảo đảm công bằng trong những người sử dụng đất chung quanh dự án, công trình đang triển khai (đặc biệt là các dự án, công trình mở rộng đường giao thông thuộc khu dân cư); có người đang sử dụng đất ở vị trí thuận lợi (thí dụ giáp mặt đường) nay bị thu hồi toàn bộ đất phải tái định cư ở nơi khác, có người đang sử dụng đất ở vị trí không thuận lợi nay ngẫu nhiên được ở vị trí thuận lợi và đương nhiên nhận được giá trị tăng thêm của quyền sử dụng đất do dự án, công trình đó mang lại.
Sáu là, Nhà nước không chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình lớn để phát triển kinh tế phục vụ lợi ích quốc gia mà thực hiện thu hồi đất cho cả những dự án nhỏ, lẻ phục vụ thuần túy cho lợi ích kinh tế của doanh nghiệp; việc thu hồi đất cho các dự án loại nhỏ, lẻ này dễ gây cho người có đất bị thu hồi ấn tượng Nhà nước lấy quyền lợi của người này trao cho người khác.
Bảy là, việc Nhà nước trực tiếp thu hồi đất cho mọi dự án, công trình còn mang nặng cơ chế bao cấp cho nên nhà quy hoạch không đưa yếu tố kinh tế vào bài toán quy hoạch phát triển của mình; nhiều dự án, công trình vẫn được triển khai khi kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tới 80% giá trị của dự án, công trình.
Trong quá trình soạn thảo, thảo luận, thông qua Luật Đất đai năm 2003, bảy nhược điểm nêu trên của cơ chế Nhà nước thu hồi đất để phục vụ phát triển kinh tế đã được phân tích kỹ và phải tìm ra giải pháp để khắc phục. Những giải pháp này được thể hiện thành những quy định khung trong luật và sẽ được chi tiết hóa trong các nghị định hướng dẫn thi hành luật. Những quy định này tạo nên cơ chế Nhà nước thu hồi đất có nhiều đổi mới.
Một là, giá đất do Nhà nước quy định bảo đảm nguyên tắc: sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường; các thửa đất liền kề nhau, có điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng như nhau, có cùng mục đích sử dụng hiện tại, cùng mục đích sử dụng theo quy hoạch thì mức giá như nhau; đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có điều kiện tự nhiên, kết cấu hạ tầng như nhau, có cùng mục đích sử dụng hiện tại, cùng mục đích sử dụng theo quy hoạch thì mức giá như nhau (Ðiều 56); giá trị bồi thường cho người có đất bị thu hồi được tính theo giá đất do Nhà nước quy định theo các nguyên tắc trên tạo nên tính nhất quán về mặt giá trị.
Hai là, Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố hoặc khi dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt (Ðiều 39); việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng theo dự án, công trình sẽ được hạn chế dần mà thay chủ yếu bằng cơ chế thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố; như vậy không thể coi đất nông nghiệp là đất phi nông nghiệp theo dự án.
Ba là, Nhà nước quyết định thu hồi đất và giao đất cho tổ chức phát triển quỹ đất do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập để thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và trực tiếp quản lý quỹ đất đã thu hồi đối với trường hợp sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố mà chưa có dự án đầu tư; Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án đối với các trường hợp đã có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt (Ðiều 41); đối với các trường hợp đã có dự án đầu tư thì Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai sẽ phải quy định thêm là nhà đầu tư chỉ phải làm việc với UBND cấp có thẩm quyền giao đất cho nhà đầu tư và UBND các cấp không được thu thêm bất cứ khoản kinh phí nào ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi; như vậy nhà đầu tư chỉ phải làm việc hoặc với tổ chức phát triển quỹ đất hoặc với UBND cấp có thẩm quyền giao đất.
Bốn là, người bị thu hồi loại đất nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập và thực hiện các dự án tái định cư trước khi thu hồi đất để bồi thường bằng nhà ở, đất ở cho người bị thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở; khu tái định cư được quy hoạch chung cho nhiều dự án trên cùng một địa bàn và phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; trường hợp không có khu tái định cư thì người bị thu hồi đất được bồi thường bằng tiền và được ưu tiên mua hoặc thuê nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với khu vực đô thị; bồi thường bằng đất ở đối với khu vực nông thôn (Ðiều 42); như vậy việc bồi thường trước hết phải bằng đất, người bị thu hồi đất ở phải được giải quyết bằng khu tái định cư có điều kiện tốt hơn nơi ở cũ.
Năm là, đất cho các dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn phải được phân bổ đồng bộ trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho toàn khu vực, bao gồm đất sử dụng để xây dựng kết cấu hạ tầng, đất ở, đất xây dựng các công trình công cộng, công trình sự nghiệp, đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh (Ðiều 86); như vậy thu hồi đất để thực hiện dự án chỉnh trang không chỉ có đất làm công trình hạ tầng mà bao gồm cả đất liền kề công trình để một mặt tạo cảnh quan khu dân cư hiện đại, mặt khác tạo công bằng xã hội giữa những người có đất bị thu hồi.
Sáu là, Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ; đối với dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất (Ðiều 40); các dự án lớn ở đây được hiểu là các dự án mang lại lợi ích kinh tế quốc gia, thuộc các lĩnh vực được xác định trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và của địa phương; đối với các dự án nhỏ, lẻ không thuộc phạm vi dự án lớn do Chính phủ quy định thì Nhà nước không thu hồi đất, các doanh nghiệp chủ động tìm quỹ đất phù hợp cho bài toán đầu tư của mình thông qua việc chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn của người đang sử dụng đất; nếu không tìm được quỹ đất phù hợp thì có thể sử dụng mặt bằng trong các khu công nghiệp tập trung.
Giải pháp để khắc phục nhược điểm thứ bảy không được quy định trong Luật đất đai năm 2003 vì đây là yếu tố nghiệp vụ xét duyệt quy hoạch, được hướng dẫn ở các văn bản về quy hoạch để chọn phương án quy hoạch hợp lý nhất.
Một số người thường quan tâm, phân tích giải pháp đổi mới thứ sáu nêu trên và không đề cập toàn bộ hệ thống giải pháp. Người dân có đất bị thu hồi lại hiểu theo nghĩa là khi Nhà nước thu hồi đất thì nhà đầu tư phải thỏa thuận theo cơ chế chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn với người có đất bị thu hồi. Cách hiểu như vậy là hoàn toàn không đúng, cần phải hiểu rõ là khi Nhà nước thu hồi đất thì Nhà nước bồi thường cho người có đất bị thu hồi theo giá đất do Nhà nước quy định. Ðối với các dự án, công trình nhỏ, lẻ vì lợi ích kinh tế của doanh nghiệp thì Nhà nước không thu hồi đất, doanh nghiệp chủ động tìm quỹ đất phù hợp. Lúc đó doanh nghiệp cũng chỉ phải làm việc với một đối tác là người đang sử dụng đất đối với đất ngoài khu công nghiệp tập trung hoặc với nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đối với đất trong khu công nghiệp tập trung.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ
(Theo ashui)-Tháng 4/2004


Xem thêm