HƯỚNG DẪN
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THU HỒI ĐẤT, GIAO ĐẤT, CHO THUÊ ĐẤT;
BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ
BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ
Bước 1: Giới thiệu địa điểm:
Nhà đầu tư nộp hồ sơ khảo sát địa điểm tại bộ phận một cửa của Sở Xây dựng;
Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối thẩm định, có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan để thẩm định nhu cầu sử dụng đất, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và trình Chủ tịch UBND tỉnh cho phép nhà đầu tư được khảo sát địa điểm để lập dự án đầu tư xây dựng và hồ sơ đất đai.
Thời gian giải quyết tại Sở Xây dựng không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Thời gian giải quyết tại UBND tỉnh không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Sở Xây dựng.
Bước 2: Thông báo chủ trương thu hồi đất; Thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Cung cấp thông tin quy hoạch; Đo đạc bản đồ địa chính hoặc trích lục khu đất thực hiện dự án:
Ngay sau khi có văn bản đồng ý cho phép khảo sát địa điểm lập dự án đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh, trong vòng 10 ngày làm việc UBND cấp huyện phải hoàn thành các công việc sau:
- UBND cấp huyện ra thông báo chủ trương thu hồi đất thực hiện dự án, trường hợp thu hồi đất theo quy hoạch thì thực hiện thông báo sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được xét duyệt và công bố. Nội dung thông báo thu hồi đất, gồm có: Lý do thu hồi đất, diện tích và vị trí khu đất thu hồi trên cơ sở hồ sơ địa chính hiện có hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt và dự kiến về kế hoạch di chuyển;
- Chủ tịch UBND cấp huyện ra Quyết định thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện đối với từng dự án hoặc giao nhiệm vụ cho tổ chức phát triển quỹ đất để thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Thành phần của Hội đồng gồm: lãnh đạo UBND cấp huyện làm chủ tịch Hội đồng, Lãnh đạo cơ quan Tài nguyên và Môi trường làm Phó chủ tịch Hội đồng, các thành viên gồm: Đại diện cơ quan Tài chính- Kế hoạch; Đại diện cơ quan Xây dựng; Đại diện cơ quan thuế; Đại diện UBND cấp xã có đất thu hồi; Chủ đầu tư; Đại diện một số hộ có đất bị thu hồi; Một số thành viên khác do Chủ tịch Hội đồng quyết định;
Sở Xây dựng sau khi nhận được Văn bản cho phép khảo sát địa điểm của Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin quy hoạch về khu đất cho nhà đầu tư trong vòng 03 ngày làm việc (trường hợp khu đất đã có quy hoạch chi tiết được duyệt) và 10 ngày làm việc (trường hợp khu đất chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt) kể từ ngày nhận được văn bản cho phép khảo sát địa điểm của Chủ tịch UBND tỉnh.
Sau khi UBND xã nhận được Thông báo chủ trương thu hồi đất của UBND cấp huyện, trong vòng 05 ngày làm việc Chủ tịch UBND cấp xã nơi có đất bị thu hồi phối hợp với nhà đầu tư Thông báo chủ trương thu hồi đất của UBND cấp huyện và kế hoạch khảo sát, đo đạc cho người sử dụng đất trong khu vực dự án.
Bước 3: Lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng đất; Thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường:
1. Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Thẩm quyền thẩm định dự án và phê duyệt dự án được thực hiện theo quy định ban hành kèm theo Quyết định số 26/2010/QĐ-UBND ngày 12/3/2010 của UBND tỉnh về phân công, phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
2. Đối với các dự án không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
a) Thẩm quyền thẩm định dự án và phê duyệt dự án.
Thẩm quyền thẩm định dự án và phê duyệt dự án được thực hiện theo quy định ban hành kèm theo Quyết định số 26/2010/QĐ-UBND ngày 12/3/2010 của UBND tỉnh về phân công, phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
b) Đăng ký đầu tư và chứng nhận đầu tư.
Nhà đầu tư thực hiện đăng ký đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thẩm định hồ sơ đối với các dự án ngoài khu công nghiệp tập trung, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan liên quan đến dự án đầu tư (nếu cần), lập tờ trình và trình UBND tỉnh xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư trong vòng 05 ngày làm việc đối với dự án thuộc diện đăng ký đầu tư; trong vòng 10 ngày làm việc đối với dự án thuộc diện thẩm tra đầu tư, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của nhà đầu tư; gửi tờ trình đến Văn phòng UBND tỉnh theo quy định.
Trường hợp các dự án nằm trong khu công nghiệp tập trung, Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh có trách nhiệm thẩm định và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của nhà đầu tư.
3. Sau khi có văn bản cho phép khảo sát địa điểm của Chủ tịch UBND tỉnh, nhà đầu tư nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường về bộ phận một cửa tại Sở Tài nguyên và Môi trường (đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường), thời gian giải quyết trong vòng 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ và Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện (đối với đăng ký cam kết bảo vệ môi trường), thời hạn giải quyết trong vòng 05 ngày làm việc Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp huyện xác nhận cam kết môi trường.
Bước 4: Lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và Quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi:
Sau khi dự án đầu tư được xét duyệt hoặc chấp thuận, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc tổ chức phát triển quỹ đất được giao nhiệm vụ thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lập phương án bồi thường chi tiết;
1. Nội dung phương án bồi thường chi tiết, gồm:
a) Tên, địa chỉ của người bị thu hồi đất;
b) Diện tích, loại đất, vị trí, nguồn gốc của đất bị thu hồi; số lượng, khối lượng, tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của tài sản bị thiệt hại;
c) Các căn cứ tính toán số tiền bồi thường, hỗ trợ như giá đất tính bồi thường, giá nhà, công trình tính bồi thường, số nhân khẩu, số lao động trong độ tuổi, số lượng người được hưởng trợ cấp xã hội;
d) Số tiền bồi thường, hỗ trợ;
đ) Việc bố trí tái định cư;
e) Việc di dời các công trình của Nhà nước, của tổ chức, của cơ sở tôn giáo, của cộng đồng dân cư;
g) Việc di dời mồ mả.
2. Lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và danh sách thu hồi đất đến từng hộ gia đình, cá nhân:
a) Niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và danh sách thu hồi đất đến từng hộ gia đình, cá nhân tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại các điểm sinh hoạt khu dân cư nơi có đất bị thu hồi để người bị thu hồi đất và những người có liên quan tham gia ý kiến;
b) Việc niêm yết phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, đại diện những người có đất bị thu hồi;
c) Thời gian niêm yết và tiếp nhận ý kiến đóng góp ít nhất là hai mươi (20) ngày, kể từ ngày đưa ra niêm yết.
3. Hoàn chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và Quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình, cá nhân:
a) Hết thời hạn niêm yết và tiếp nhận ý kiến, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, nêu rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Trường hợp còn nhiều ý kiến không tán thành phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng cần giải thích rõ hoặc xem xét, điều chỉnh trước khi chuyển cơ quan tài nguyên và môi trường thẩm định; hoàn chỉnh hồ sơ và gửi đến cơ quan tài nguyên và môi trường để thẩm định;
b) Trình UBND cấp huyện ra Quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình, cá nhân (Quyết định thu hồi đất đến từng hộ phải được gửi trực tiếp tới từng hộ và được công khai niêm yết tại trụ sở UBND xã và điểm sinh hoạt của thôn)
Bước 5: Lập hồ sơ đất đai trình cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất:
Đối với các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất phải tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, hồ sơ bao gồm:
1. Văn bản cho phép khảo sát địa điểm đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh và thông báo thu hồi đất của UBND cấp huyện.
2. Dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật; các văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về dự án đầu tư, bản xác nhận đăng ký đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư.
3. Văn bản cung cấp thông tin về quy hoạch của Sở Xây dựng hoặc quy hoạch chi tiết được duyệt.
4. Đơn xin giao đất hoặc thuê đất của tổ chức xin giao đất, thuê đất.
5. Văn bản đề nghị giao đất, cho thuê đất của UBND cấp xã nơi có đất; Văn bản đề nghị giao đất, cho thuê đất của UBND cấp huyện nơi có đất.
6. Trích lục (hoặc trích đo) bản đồ địa chính được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (bản đồ dạng số và bản đồ giấy) kèm theo bảng thống kê diện tích.
7. Quyết định thu hồi đất của UBND cấp huyện.
8. Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư kèm theo ý kiến tổng hợp sau khi niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
9. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường theo quy định.
10. Các tài liệu khác có liên quan như: Đăng ký kinh doanh, mã số thuế, quyết định thành lập tổ chức, văn bản của các ngành về hành lang bảo vệ đê điều, khai thác cát sỏi, bãi tập kết vật liệu xây dựng, hành lang đường điện …
Hồ sơ được lập thành 02 bộ gửi về bộ phận một cửa thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Thời gian giải quyết trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thời gian giải quyết tại UBND tỉnh trong vòng 05 ngày từ khi nhận được Hồ sơ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Bước 6: Thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư:
1. Sau khi có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất của UBND tỉnh, trong thời hạn không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường đối với dự án thu hồi đất từ 02 huyện, thành phố, thị xã trở lên; Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định và trình UBND cấp huyện phê duyệt phương án bồi thường đối với các dự án còn lại.
2. Trong thời hạn không quá ba (03) ngày, kể từ ngày nhận được quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với UBND cấp xã phổ biến và niêm yết công khai phương án được duyệt (thời gian niêm yết là 03 ngày), gồm: quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bảng tính tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thời gian và địa điểm chi trả tiền và thời gian bàn giao đất tại trụ sở UBND cấp xã và điểm sinh hoạt khu dân cư nơi có đất bị thu hồi; gửi Quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người có đất bị thu hồi, trong đó có nêu rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, về bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
3. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất thu hồi của các hộ gia đình, cá nhân (nếu có) để phục vụ công tác chỉnh lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
4. Trong thời hạn hai mươi (20) ngày kể từ ngày tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người bị thu hồi đất theo phương án đã được xét duyệt:
a. Nếu người có đất bị thu hồi nhận tiền bồi thường thì người có đất bị thu hồi phải bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng theo thời gian đã có trong phương án; trường hợp việc bồi thường theo tiến độ thì chủ đầu tư được nhận bàn giao phần diện tích đã bồi thường xong.
b. Nếu người có đất bị thu hồi không nhận tiền bồi thường thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tiếp tục cùng chính quyền và các ban ngành đoàn thể địa phương tổ chức vận động người có đất bị thu hồi.
5. Trường hợp chủ đầu tư và người có đất bị thu hồi đã thoả thuận bằng văn bản về bồi thường đất và tài sản trên đất hoặc khu đất thu hồi không phải bồi thường giải phóng mặt bằng thì UBND cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất mà không phải chờ đến hết thời hạn thông báo thu hồi đất.
6. Trường hợp phải bố trí khu tái định cư, UBND cấp huyện phối hợp với chủ đầu tư thực hiện lập dự án đầu tư, xác định vị trí khu đất và đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu đất tái định cư, xây dựng phương án tái định cư trước khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (trường hợp UBND cấp huyện thỏa thuận được với các đối tượng được tái định cư thì thực hiện ngay việc bồi thường, giải phóng mặt bằng).
Bước 7: Cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng:
1. Việc cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật Đất đai chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định theo các bước ở trên;
b) Quá ba mươi (30) ngày, kể từ thời điểm tại điểm b, mục 4, bước 6 ở trên người dân không nhận tiền bồi thường và Sau khi đại diện của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có đất thu hồi đã tiếp tục vận động thuyết phục nhưng người có đất bị thu hồi không chấp hành việc bàn giao đất đã bị thu hồi;
c) Có quyết định cưỡng chế của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đã có hiệu lực thi hành;
d) Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi.
2. Sau mười lăm (15) ngày, kể từ ngày giao trực tiếp quyết định cưỡng chế hoặc ngày niêm yết công khai quyết định cưỡng chế quy định tại điểm d mục 1 bước này mà người bị cưỡng chế không bàn giao đất thì Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, tổ chức lực lượng cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức cưỡng chế thu hồi đất.
3.1. Xây dựng kế hoạch tổ chức cưỡng chế
- Phải có kế hoạch rõ ràng, từ bước đi, kế hoạch, lực lượng (thành phần, số lượng), phương tiện tham gia cưỡng chế hạn chế ở mức thấp nhất.
- Phân công người phụ trách rõ ràng, phụ trách tổng thể và từng loại công việc. Người phát ngôn trước báo chí phải được cấp có thẩm quyền chỉ định.
3.2. Căn cứ mức độ, quy mô, phạm vi ảnh hưởng của dự án. Việc cưỡng chế phải được Chủ tịch UBND tỉnh xem xét kỹ và đồng ý về chủ trương và kế hoạch huy động lực lượng tham gia cưỡng chế.
3.3. Trong suốt quá trình tổ chức cưỡng chế người ra Quyết định cưỡng chế phải được cập nhật tình hình kịp thời, nhanh nhất, chính xác nhất, cho ý kiến chỉ đạo cụ thể nhất để tránh sơ xuất, tránh những sự việc làm nóng hơn tình hình (do sự chống đối, xử lý chống đối, xử lý tài sản trong vùng cưỡng chế).
Việc xử lý bằng pháp luật phải đảm bảo đúng quy định pháp luật, khi xử lý gọn, tránh làm tăng mức độ chống đối của người dân.
3.4. Phải sơ kết, rút kinh nghiệm ngay sau buổi cưỡng chế để:
- Yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết thực hiện ngay dự án theo đúng kế hoạch, tiến độ được phê duyệt.
- Điều chỉnh những vấn đề phát sinh, khắc phục kịp thời sơ xuất, sai sót.
- Tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho nhân dân về sự cần thiết, căn cứ, những vấn đề phát sinh.
- Thống nhất thông tin cơ quan truyền thông, người phát ngôn chỉ đạo việc tuyên truyền về mức độ, phạm vi ảnh hưởng.
3.5. Nếu diễn biến phức tạp: Ban thường vụ, cấp uỷ các cấp cần được bàn bạc xử lý nhanh nhạy, kịp thời để cho chủ trương, giải quyết hợp lý.
Bước 8: Bàn giao đất trên thực địa, ký hợp đồng thuê đất (đối với các tổ chức thuê đất):
Sau khi thực hiện xong bồi thường, hỗ trợ theo quyết định được phê duyệt hoặc thực hiện xong công tác cưỡng chế khi thu hồi đất (nếu có), Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư báo cáo tình hình thực hiện bồi thường, hỗ trợ; nhà đầu tư có văn bản đề nghị bàn giao đất đồng thời phòng Tài nguyên và Môi trường báo cáo việc thu hồi hoặc chỉnh lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị bàn giao đất trên thực địa.
Sau khi nhận bàn giao đất trên thực địa, nhà đầu tư ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường (trường hợp đất thuê). Căn cứ biên bản bàn giao đất trên thực địa các Sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Cục thuế xác định tiền thuê đất hàng năm làm căn cứ để cơ quan thuế ra thông báo tiền thuê phải nộp ngân sách nhà nước của dự án (đối với trường hợp đất thuê)./.