BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI -------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- |
Số: 12/2013/TT-BGTVT | Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 2013 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG KẾT CẤU MẶT ĐƯỜNG BÊ TÔNG XI MĂNG TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng trong đầu tư xây dựng công trình giao thông,
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về việc sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng trong xây dựng công trình giao thông không phân biệt nguồn vốn đầu tư.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan tới các hoạt động đầu tư xây dựng công trình giao thông có sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Kết cấu mặt đường bê tông xi măng là loại kết cấu áo đường có tầng mặt làm bằng bê tông xi măng và tầng móng làm bằng cấp phối đá dăm gia cố xi măng hoặc bê tông nghèo hoặc làm bằng các loại vật liệu khác, đặt trực tiếp trên nền đường hoặc trên lớp đáy móng.
2. Công trình giao thông: gồm công trình đường bộ, công trình đường sắt, công trình đường thủy, sân bay, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ khác.
Điều 4. Điều kiện, phạm vi áp dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng
1. Việc nghiên cứu, sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng trong xây dựng công trình giao thông được thực hiện trong tất cả các bước lập dự án đầu tư, thực hiện dự án đầu tư và khai thác, bảo trì công trình.
2. Kết cấu mặt đuờng bê tông xi măng được sử dụng trong dự án xây dựng công trình giao thông khi phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn, cung ứng vật liệu, điều kiện thi công sửa chữa, bảo trì và khả năng nâng cấp, mở rộng sau này.
3. Kết cấu mặt đường bê tông xi măng phải là giải pháp kỹ thuật chủ yếu để áp dụng cho các công trình xây dựng giao thông nếu đáp ứng những điều kiện tại khoản 2 Điều này và có một trong các đặc điểm sau:
a) Mặt đường tại các khu vực trạm thu phí; bến xe; bãi đỗ xe; đường ô tô chuyên dụng, đường vào cảng; mặt đường hầm; mặt đường đập tràn;
b) Tuyển đường bộ tại vùng chịu ảnh hưởng của ngập lụt nhưng nền đường không nằm trên vùng đất yếu; tuyến đường bộ chịu ảnh hưởng của khí hậu sương mù, ẩm ướt thường xuyên;
c) Tuyến đường bộ tại khu vực miền núi có độ dốc lớn từ 7% trở lên, khó khăn đối với công tác duy tu, bảo dưỡng nếu sử dụng các dạng kết cấu mặt đường khác;
d) Tuyến đường bộ đào qua nền đất, đá chịu ảnh hưởng của nước ngầm;
đ) Tuyến đường giao thông nông thôn;
e) Các công trình giao thông khác khi sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng bảo đảm hiệu quả kinh tế-kỹ thuật và tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng hơn các loại kết cấu mặt đường khác.
4. Trường hợp công trình giao thông có đủ điều kiện, phạm vi áp dụng nêu trên mà không sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng thì chủ đầu tư phải báo cáo cấp quyết định đầu tư xem xét, quyết định.
Điều 5. Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng
1. Việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông có sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
2. Các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật chính bao gồm:
a) Tiêu chuẩn thiết kế mặt đường bê tông xi măng: Áp dụng Quyết định số 3230/QĐ-BGTVT ngày 14/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định tạm thời về thiết kế mặt đường bê tông xi măng thông thường có khe nối trong xây dựng công trình giao thông;
b) Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu mặt đường bê tông xi măng: Áp dụng Quyết định số 1951/QĐ-BGTVT ngày 17/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định tạm thời về kỹ thuật thì công và nghiệm thu mặt đường bê tông xi măng trong xây dựng công trình giao thông;
c) Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu lớp móng cấp phối đá dăm và cấp phối thiên nhiên gia cố xi măng: Áp dụng tiêu chuẩn TCVN 8858:2011 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố năm 2011.
Điều 6. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan
1. Tổ chức Tư vấn thực hiện lập dự án, điều chỉnh dự án, lập thiết kế có trách nhiệm nghiên cứu điều kiện, phạm vi áp dụng quy định tại Điều 4 của Thông tư này để xây dựng phương án thiết kế kết cấu mặt đường bê tông xi măng theo các tiêu chuẩn thiết kế quy định tại Điều 5 của Thông tư này và các phương án kết cấu mặt đường khác (bê tông nhựa, láng nhựa,...) để phân tích, so sánh và đề xuất lựa chọn phương án kết cấu mặt đường bảo đảm tính hiệu quả kinh tế-kỹ thuật của dự án.
2. Người quyết định đầu tư có trách nhiệm xem xét, quyết định việc sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng theo quy định của Thông tư này khi quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và quá trình khai thác, bảo trì dự án công trình giao thông.
3. Chủ đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm so sánh, đề xuất việc sử dụng mặt đường bê tông xi măng cho dự án phù hợp với các quy định tại Thông tư này.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2013.
2. Đối với công trình giao thông đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án không sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng trước ngày Thông tư này có hiệu lực, chủ đầu tư hoặc nhà đầu tư có thể xem xét, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thay đổi thiết kế theo các quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này để sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng nếu xét thấy có đủ điều kiện áp dụng phù hợp và nâng cao hiệu quả kinh tế-kỹ thuật của dự án.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, - Cơ quan thuộc Chính phủ; - Các Thứ trưởng; - Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Các Sở GTVT; - Công báo; - Công Thông tin điện tử Chính phủ; - Trang thông tin điện tử Bộ GTVT; - Báo GTVT; Tạp chí GTVT; - Lưu VT, KHCN (15). | BỘ TRƯỞNG Đinh La Thăng |