Thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã tiến hành xây dựng và phê duyệt Đề án hoàn thiện cơ chế quản lý và công tác tổ chức quản lý tiến độ, chất lượng và giá thành xây dựng CTGT. Đây là việc làm thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm lớn của ngành GTVT để đạt được kết quả cao nhất trong năm Kỷ cương - Tiến độ - Chất lượng - Hiệu quả công trình.
Trong nhiều năm qua, qua nhiều giai đoạn điều chỉnh sửa đổi, đến nay Nhà nước đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ nhằm hoàn thiện từng bước công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. Trên thực tế, cơ chế quản lý đầu tư xây dựng hiện hành đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trên nhiều mặt, thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng ngày càng phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện và đã góp phần to lớn vào sự phát triển KT-XH của đất nước.
Ngành GTVT đang quyết liệt để hoàn thiện cơ chế tăng hiệu quả trong đầu tư. |
Cùng với đó, thời gian gần đây Bộ GTVT xác định công tác quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành công trình là một khâu quan trọng, then chốt trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng và là nhiệm vụ hàng đầu. Với sự nỗ lực của các cơ quan tham mưu thuộc Bộ, các chủ đầu tư, ban QLDA, hầu hết các dự án xây dựng giao thông trong quá trình khai thác đã cơ bản đảm bảo được công năng sử dụng theo yêu cầu thiết kế, không có sai sót lớn về mặt kỹ thuật và phát huy được hiệu quả KT-XH. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất nhiều dự án đã bị chậm tiến độ trong quá trình triển khai, một số ít dự án có khiếm khuyết về chất lượng hoặc để xảy ra sự cố kỹ thuật gây bức xúc cho xã hội và nhiều dự án sau khi hoàn thành có giá thành vượt nhiều so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Công tác quản lý đầu tư xây dựng nói chung và quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành công trình xây dựng giao thông nói riêng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Để xảy ra tình trạng các dự án xây dựng giao thông bị chậm tiến độ, chất lượng chưa đảm bảo và giá thành phải điều chỉnh, thay đổi lớn có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó phải kể đến là tình trạng còn thiếu sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, sự phân cấp quản lý còn chưa khoa học, phù hợp, năng lực quản lý, điều hành của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng còn có những mặt hạn chế, dự án gặp khó khăn vướng mắc nhiều về công tác GPMB, thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng còn phức tạp...
Theo Bộ GTVT, từ những vấn đề được nhìn nhận còn bất cập, tồn tại trong công tác quản lý đầu tư xây dựng các dự án xây dựng giao thông về tiến độ thi công, chất lượng xây dựng và giá thành công trình, mục tiêu của Đề án là đi sâu vào phân tích, đánh giá, tổng kết cụ thể quá trình quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng các dự án trong ngành GTVT. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng sẽ đưa ra một số giải pháp để kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành công trình XDGT, đặc biệt là trong khâu tác nghiệp, điều hành của các chủ thể tham gia quản lý đầu tư xây dựng.
Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm vụ của Đề án này sẽ hệ thống hóa một cách khoa học những quy định cơ bản của Nhà nước cũng như của Bộ GTVT về quản lý đầu tư xây dựng nói chung và về quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành công trình nói riêng; Phân tích, đánh giá những bất cập của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng, đánh giá công tác quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng các dự án giao thông từ giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát thiết kế, lựa chọn nhà thầu, thi công xây dựng và bảo hành công trình; Trên cơ sở đánh giá đó, Đề án sẽ đề xuất một số giải pháp và kiến nghị cụ thể về hoàn thiện cơ chế chính sách, điều chỉnh phù hợp chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tham mưu thuộc Bộ GTVT, phân cấp quản lý dự án của chủ đầu tư, ban QLDA, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng... để nâng cao hơn nữa hiệu quả năng lực quản lý dự án về các mặt tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng.
Đức Thắng/Báo GTVT