Bảo dưỡng cầu treo dân sinh
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy; HĐND-UBND huyện, kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân cũng như cơ sở hạ tầng giao thông đã cơ bản thay đổi và đạt được những thành tựu to lớn trên địa bàn huyện. Năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp phát triển khá, bền vững; hàng hóa nông sản được lưu thông nhanh chóng trên địa bàn huyện nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, đứng trước công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn nhiều thách thức được đặt ra. Phát triển cơ sở hạ tầng là yêu cầu cấp thiết, nhất là hệ thống đường giao thông trên địa bàn còn rất lớn, lại chủ yếu là đường dân sinh, để đới sống của nhân dân được cải thiện, góp phần mang lại bộ mặt mới, tiềm năng để phát triển.
Công tác quản lý, duy tu và bảo dưỡng đường là một công việc hết sức quan trọng, dù đường làm có tốt đến đâu mà không quản lý, giữ gìn đường thì chẳng khác gì “hữu sinh vô dưỡng”. Không thường xuyên giữ gìn, bảo dưỡng đường sẽ mau hỏng và việc sửa chữa càng thêm khó khăn và tốn kém. Vì vậy việc giữ gìn bảo dưỡng đường thường xuyên là một công việc cần thiết và có tính nguyên tắc.
Qua quá trình công tác, là cán bộ giao thông huyện, tôi xin tổng hợp những vấn đề cơ bản đối với Công tác tổ chức quản lý, duy tu và bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện, nhất là trong giai đoạn hiện nay thành đề tài. Qua đó cán bộ và nhân dân tham gia công tác giao thông có thể tham khảo.
Đề tài của tôi chia làm 05 phần.
Phần I - Khái quát về hệ thống giao thông huyện Tuần Giáo (trang 2).
Phần II - Khái niệm, cấu tạo, phân loại đường, ý nghĩa và tầm quan trọng của hệ thống giao thông (trang 3-5).
Phần III - Tổ chức sửa chữa nhỏ, duy tu bảo dưỡng thường xuyên hệ thống giao thông (trang 6-8).
Phần IV - Công tác đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ (trang 9-10).
Phần V - Nội dung chủ yếu trong công tác quản lý, khai thác, bảo dưỡng thường xuyên đường (trang 11-14).
Phần I
KHÁI QUÁT VỀ HỆ THỐNG GIAO THÔNG HUYỆN TUẦN GIÁO
Tuần Giáo là một huyện miền núi, có 13 xã và 01 thị trấn, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện Tuần Giáo đến năm 2020 được phêu duyệt theo Quyết định số 1544/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2010 của UBND tỉnh Điện Biên, trước đây hệ thống giao thông chưa phát triển, còn nhiều yếu kém và thiếu đồng bộ. Tuy nhiên trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã nỗ lực, từng bước khắc phục khó khăn tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển hệ thống giao thông nên đến nay đã có sự chuyển biến đáng kể.
Những năm qua huyện Tuần Giáo đã tập trung huy động mọi nguồn lực từ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, của nhân dân và sử dụng có hiệu quả vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cho phát triển hệ thống giao thông nhằm góp phần đảm bảo ổn định chính trị, giữ vững an ninh và phát triển kinh tế. Tuần Giáo có hai tuyến Quốc lộ 6, 279 chiều dài 79 km; tỉnh lộ 149, 149B đi qua chiều dài 38 km; đường đô thị huyện có 9,3km; đường chuyên dụng trên địa bàn huyện là 18,3 km chủ yếu là đường vào các bãi khai thác vật liệu, khu mỏ và thủy điện; đường liên xã có 127 km trong đó mặt đường BTXM, láng nhựa hoạc cấp phối chiếm 92%, số tuyến đạt tiêu chuẩn giao thông A chiếm 30%. Cho đến thời điểm này 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. Giờ đây nhân dân ở các xã vùng sâu của huyện rất phấn khởi vì sự phát triển hệ thống giao thông của địa phương, góp phần thuận tiện cho việc đi lại và giao lưu hàng hóa ở cả hai mùa mưa nắng.
Ngoài ra hệ thống giao thông huyện Tuần Giáo còn có 328,5 km đường dân sinh trong đó ô tô có thể đi lại được về mùa khô 255 km. Song, một vấn đề đặt ra là hiện nay các tuyến đường dân sinh là đường đất, hầu hết hệ thống thoát nước đều đã bị hư hỏng, thậm trí chưa có, không đáp ứng được khả năng thoát nước mặt, dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng sau mỗi mùa mưa làm ảnh hưởng đến nhu cầu lưu thông và vận chuyển hàng hóa nông sản của nông dân. Hiện nay cùng với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Tuần Giáo cũng đã và đang triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia: Chương trình 134, 135, xây dựng nông thôn mới.
Từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 huyện sẽ tập trung thực hiện hoàn thành một số công trình như: Đường nội thị huyện; đường Tuần Giáo - Tênh Phông; đường Nà Sáy - Mường Thín- Mường Mùn... Đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện: Đường Ta Ma – Phình Cứ - Phiêng Cải xã Ta Ma; Nậm Din – Phiêng Hoa – Quỳnh Nhai... Ngoài ra theo dự kiến hết quý I năm 2013 huyện Tuần Giáo phải hoàn thành việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập 5 xã mới: Nà Tòng, Pú Xi, Rạng Đông, Chiềng Đông và Mường Khong, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đầu tư để đảm bảo giao thông tới các xã mới, theo đó cần thiết đề nghị nâng cấp tuyến: Nà Sáy – Phiêng Hin; Nậm Mức – Hua Mức; Mường Mùn – Pú Xi – Hua Mức... Dự báo đến năm 2020, toàn huyện Tuần Giáo có hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư với 204 km đường đạt chuẩn giao thông nông thôn A theo Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23 tháng 02 năm 2011 về việc ban hành Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thôn nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng mới hoặc đường cấp VI; đồng thời xây dựng mới 16 cầu với tổng chiều dài 111 m.
Phần II
KHÁI NIỆM, CẤU TẠO, PHÂN LOẠI ĐƯỜNG, Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA HỆ THỐNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG
I. Khái niệm về hệ thống đường giao thông: Mạng lưới đường giao thông huyện Tuần Giáo chủ yếu là đường giao thông nông thôn, vì vậy đề tại chỉ nêu về hệ thống đường GTNT:
1. Hệ thống đường huyện là các đường nối từ trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường nối đường tỉnh với trung tâm hành chính của xã hoặc trung tâm cụm xã.
2. Hệ thống đường xã là các đường nối trung tâm hành chính của xã với các thôn bản hoặc đường nối giữa các xã, đường liên thôn bản.
3. Các cầu, các công trình thoát nước, công trình bảo vệ và các công trình phòng hộ khác thuộc đường huyện, đường xã.
4. Hệ thống đường giao thông nối với đường quốc lộ, đường tỉnh tạo thành một mạng lưới liên hoàn do nhà nước thống nhất quản lý. Hệ thống đường giao thông không phân biệt xây dựng bằng nguồn vốn nào, khi hoàn thành, đều phải giao cho tổ chức hoặc cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý, sửa chữa và bảo dưỡng thường xuyên, bảo đảm giao thông thông suốt, trật tự an toàn và bền vững.
II. Phân loại đường, cấu tạo tuyến đường, các bộ phận cơ bản của đường, cầu, ngầm tràn.
1. Phân loại đường: Mạng đường bộ được chia thành 6 hệ thống sau: Đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị, đường chuyên dùng.
2. Cấp đường được phân loại theo chức năng quản lý : Đường cấp I, II, II, IV, V, VI, đường cấp AH, đường cấp A, đường cấp B, đường cấp C. Cấp đường được phân theo cấp kỹ thuật : Cấp 80 và 60, cấp 60 và 40, cấp 40 và 20.
3. Đường là một hình khối trong không gian gồm các bộ phận sau đây: Tim đường; mặt đường; nền đường; lề đường; ta luy đường; rãnh thoát nước; vai đường.
4. Các công trình thoát nước: Cầu, cống, ngầm, ngầm tràn.
5. Các công trình phòng hộ: Tường, kè phòng hộ, biển báo, cọc tiêu...
6. Hành lang an toàn giao thông của đường: Đường thấp hơn cấp V là 5m.
III. Ý nghĩa và tầm quan trọng việc xây dựng và phát triển hệ thống đường giao thông.
Giao thông vận tải với vai trò như huyết mạch của cơ thể. Giao thông phát triển góp phần kinh tế phát triển, đẩy nhanh chương trình xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân ngày một tốt hơn. Do vậy, việc xây dựng đường giao thông là rất cần thiết. Với chủ trương: nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân là chính, nhà nước hỗ trợ. Do vậy, mọi nhà, mọi người đều phải hăng hái góp công sức tham gia xây dựng làm đường giao thông.
V. Phát triên hệ thống giao thông gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Theo kế hoạch, đến năm 2015 huyện sẽ hoàn thành 19 tiêu chí cho 3 xã gồm: Quài Nưa, Pú Nhung, Quài Cang và đến năm 2020 hoàn thành 19 tiêu chí cho các xã còn lại. Do đó vấn đề nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông trên địa bàn được xem là nhu cầu cấp bách.
Qui mô xây dựng theo quy định của Bộ GTVT: Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23/02/2011 của Bộ GTVT “V/v ban hành hướng dẫn lựa chọn qui mô kỹ thuật đường GTNT phục vụ chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020”, với một số chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu như sau:
- Đường đến trung tâm xã: Qui mô đường cấp AHMN lấy tương đương với cấp VI-MN: chiều rộng nền đường Bn=6,0m, chiều rộng mặt đường Bm=3,5m
- Đường trục xã, liên xã (là đường giao thông từ xã tới thôn, đường liên thôn): Qui mô đường cấp A (có châm trước một số yếu tố ), hoặc cấp B: chiều rộng nền đường Bn=4,0m, chiều rộng mặt đường Bm=3,0m.
- Đường trục thôn, xóm: Qui mô đường cấp đường cấp A (có châm trước một số yếu tố), hoặc cấp B: chiều rộng nền đường Bn=4,0m, chiều rộng mặt đường Bm=3,0m
- Đường ngõ, xóm: Qui mô đường cấp C có chiều rộng nền đường Bn=3,0m; chiều rộng mặt đường Bm=2,0m
- Đường trục chính nội đồng: Qui mô đường cấp đường cấp A (có châm trước một số yếu tố), hoặc cấp B: chiều rộng nền đường Bn=4,0m, chiều rộng mặt đường Bm=3,0m
Phần III
TỔ CHỨC SỬA CHỮA NHỎ, DUY TU BẢO DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN HỆ THỐNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG
I. Sửa chữa nền đường:
Nhằm duy trì sự vững chắc hình dáng và kích thước ban đầu, đảm bảo tầm nhìn cho xe và người qua lại.
Nội dung gồm có:
1. Phát dọn cây cỏ:
Trong phạm vi giới hạn của nền đường phải phát quang cây cỏ che khuất tầm nhìn, che khuất các thiết bị an toàn (Như cọc tiêu, biển báo hiệu, kè hộ lan can).
Ở miền núi có những cây mọc tự nhiên dọc theo dải đất ven đường, nếu xét thấy không an toàn làm ảnh hưởng đến cầu đường, cần có kế hoạch chặt hạ trước.
- Cỏ mọc ở lề đường cao quá, cần được cắt xén, phần còn lại cao khoảng 5cm để bảo vệ lề đường. Chặt phát cây, để không gây vướng cho người đi đường và xe cộ qua lại. Sau khi phát dọn cây cỏ phải được thu dọn sạch sẽ, vứt bỏ ra ngoài phạm vi nền đường.
- Nghiêm cấm việc dùng phương pháp đốt lửa để thu dọn cây cỏ, rơm rạ trên đường, gần mặt đường (đường nhựa hoặc đường bê tông xi măng) các công trình, các biển báo hiệu, đảm bảo an toàn cho công trình và không gây cháy rừng.
2. Sửa chữa nền đường sụt lở:
- Đối với miền núi, có nền đường đào bị sụt lở, trước hết phải hót ngay phần đất bị sụt xuống, sau đó, bạt sửa lại mái đường và đào vét lại rãnh dọc đã bị đất lấp.
-Trường hợp khối lượng đất bị sụt lớn, trước mắt phải hót một phần mặt đường rộng 3,5m (nếu có xe cơ giới đi qua lại), nếu là đường chỉ có xe thô sơ và người qua lại, phải hót sát đủ rộng cho xe, người bộ hành và ngựa thồ qua lại an toàn. Giải quyết biện pháp thoát nước tạm như đắp rãnh nổi, làm cống thoát nước ngang tạm để thoát nước ở rền đường, không để nước đọng lại gây hư hỏng nền, mặt đường.
- Khi nền đường đắp bị sụt lở, phải đắp phụ lại, khi đắp phải đánh cấp, cố gắng dùng đất cùng loại nền đường để đắp, có đủ độ ẩm thích hợp. San đắp từng lớp, đầm lèn chặt, sau đó sửa lại mái ta luy.
- Trường hợp đường vùng núi, dốc ngang sườn núi lớn, không thể đắp đất ở vị trí sụt lún lở, có thể đánh cấp đường rồi đắp bằng đá vôi mái dốc 1/1, hoặc làm kè khan, rọ đá, rọ tre, khung gỗ bỏ đá,
3. Sửa chữa nền đường bị lầy lún.
Nền đường bị lún có thể do nhiều nguyên nhân: chất đất xấu, đầm lèn kém, đọng nước trên mặt... Phương pháp sửa chữa như sau:
- Trường hợp đường bị lầy lún do nhiều nguyên nhân: do nước mặt đọng lại, thì vét hết bùn hoặc đất yếu, rồi đắp thay bằng đất cùng loại, đất đắp nền đường với độ ẩm thích hợp và đầm lèn chặt từng lớp một.
- Nếu là đất xấu, đầm lèn kém thì phải đào bỏ hết lớp đất này, thay thế bằng lớp cát thô hoặc loại đất tốt, tưới nước đủ độ ẩm rồi đầm lèn chặt từng lớp một. Sau đó sử lý làm mặt đường.
4. Sửa chữa bảo vệ mái đường
Để bảo vệ mái đường (ta luy) cần thường xuyên phát hiện và xử lý kịp thời một số hiện tượng là nguyên nhân gây ra sự phá hoại như bạt thoải thêm ta luy những nơi có các khối đất, tảng đá có thể bị sụt lở, chặt bỏ những cây to, cây có tán rộng, không để nước hoặc nước ngầm chảy thành dòng trên mái đường.
- Những nơi có điều kiện cần trồng cỏ trên mái đường để bảo vệ. Phải đánh từng vầng dày 5-8 cm kích thước 20 - 30 cm. Khi đào và vận chuyển cần giữ không để bị vỡ. Nên đánh vầng cỏ ở vùng đất thịt và loại cỏ thấp nhiều rễ. Trước khi đánh vầng cỏ, nếu đẩt ta luy rắn phải xới lại. Dùng que găm chặt vầng cỏ và tưới nước cho đến lúc cỏ bám dễ,.
5. Sửa lề đường:
Lề đường phải được thường xuyên giữ gìn, sửa chữa, đảm bảo vững chắc, bằng phẳng, liền với mặt đường, đảm bảo độ dốc ngang, để thoát nước mặt đường và không có chướng ngại cản trở giao thông.
Dùng cuốc xẻng, bạt các mô đất lồi và đắp phụ những chỗ lõm.
Trường hợp ở miền núi lưu lượng xe cộ và người qua lại ít, nếu lề đường đã vững chắc, và đảm bảo độ nghiêng nếu có cỏ mọc đề trên lề thì có thể không dẫy cỏ, nhưng cần cắt xén cỏ cho phẳng và cao 5cm so với mặt lề đường.
6. Sửa chữa cống và rãnh nước.
Hệ thống công trình thoát nước của nền đường bao gồm các cống ngang, cống dọc, rãnh ngang, rãnh đỉnh... phải luôn sửa sang để thoát nước cho tốt, không để nước gây sình lún, sói lở nền đường.
- Đối với cống phải thường xuyên khơi thông, vét bùn rác ứ đọng trong lòng cống và hồ tụ nước, đặc biệt lưu ý không cho nước chảy qua những chỗ cống bị nứt, vỡ làm ướt và lún sụt nền đường hoặc gây sói mòn cống.
- Các rãnh dọc phải thường xuyên vét, sửa hoặc đào lại, đảm bảo theo kích thước và độ dốc ban đầu. Chỗ rãnh trũng phải bù đắp bù phụ bằng đất cùng loại đất ở đó và đầm lèn chặt. Khi đào vét lại rãnh phải đào từ điểm có cao độ đáy rãnh thấp đến điểm có đáy rãnh cao. Không được đổ bùn đất do vét rãnh ở gần rãnh, gây tình trạng khi có mưa, bùn đất lại trôi xuống rãnh, gây lầy lội trở ngại trên lề đường.
II. Sửa chữa mặt đường:
Yêu cầu chung đối với công tác gìn giữ và sửa chữa mặt đường nhằm đảm bảo cho mặt đường sạch sẽ, ít bụi trong mùa hanh nóng, không trơn lầy, đọng nước trong mùa mưa, xe lưu thông êm thuận.
1. Nội dung công tác sửa chữa mặt đường đất.
- San sửa những chỗ lồi lõm, nhất là những vết hằn của bánh xe, đầm nén chặt chẽ, đảm bảo độ bằng phẳng và độ dốc ngang của đường.
- Trong mùa hanh khô, tưới nước giữ ẩm, chống bị bào mòn và dinh bụi.
- Đối với những đoạn đường bị trơn lầy, đoạn đường dốc, hoặc nền đất yếu, phải dọn sạch bùn rác, để cho khô ráo rồi rải một lớp vật liệu hạt cứng như: cát thô, xỉ than, gạch vụn hoặc sạn sỏi.
2. Nội dung công tác sửa chữa mặt đường cấp phối, sỏi suối, gạch vỡ.
- Làm vệ sinh, thu dọn bùn lầy, rác rưởi, thoát nước đọng trên mặt đường.
- Thường xuyên vun, quyét các vất liệu hạt nhỏ sang hai bên vào vệt xe chạy;
- San các gợn sóng xuất hiện trên lớp bảo vệ hặc lớp hao mòn của đường;
- Thu nhặt các vật liệu như cấp phối, sỏi suối, đá vụn bong bật ra ngoài, vun gom đánh đống để sử dụng vào việc sửa đường;
- Tưới nước, giữ độ ẩm chống hao mòn và bụi.
3. Kỹ thuật vá ổ gà và các loại mặt đường nêu trên:
- Quét dọn bùn lầy, rác trong lòng ổ gà đổ bỏ đi nơi khác;
- Cuốc khuôn ổ gà theo các hình nhiều cạnh, thành thẳng đứng, phạm vi cuốc khuôn là từ chỗ mặt đất bị biến dạng (rạn nứt, khuôn cuốc sâu hơn đáy ổ gà 2cm và phải đảm bảo bề sâu tối thiểu 8cm);
- Vét hết vật liệu còn trong lòng ổ gà, đập cho rời rạc, trộn thêm vật liệu mới, trộn khô từ 3 -4 lần cho đều, sau đó tưới nước vào lòng ổ gà, và tưới nước vào vật liệu cho đủ độ ẩm rồi đắp vật liệu vào trong lòng ổ gà, san bằng và đầm lèn kỹ.
Vật liệu đắp ổ gà, sau khi đầm lèn kỹ phải cao hơn mặt đường cũ 2cm, để sau này, xe qua lại, lún xuống bằng với mặt đường là vừa.
4. Rải đào xới mặt đường cấp phối, sỏi suối:
- Mức quy định: Khi diện tích ổ gà trên đoạn đường dài 10m, chiếm từ 10% trở lên thì không vá ổ gà từng miếng riêng biệt mà rải xáo xới lại toàn bộ.
- Trình tự thi công:
+ Làm vệ sinh quét dọn bùn lầy, rác cho mặt đường sạch sẽ;
+ Cuốc sới mặt đường cũ, chiều sâu cuốc sới phải bằng chiều sâu ổ gà (chỗ sâu nhất) tối thiểu phải bằng 8cm. Có thể dùng cày, bừa nông nghiệp hoặc máy cày để sới; trước khi sới có thể tưới nước cho ẩm để dễ sới.
+ Làm tơi vật liệu cuốc xới bằng bừa hoặc máy kéo;
+ San trộn vật liệu: rải và trộn đều lớp vật liệu bù phụ và vật liệu cũ cho đều nhau. dùng bừa nông nghiệp hoặc máy cày để trộn, trước hết trộn khô cho vật liệu đều nhau, sau đó vừa trộn, vừa tưới nước cho đủ độ ẩm theo yêu cầu;
+ San vật liệu cho đúng hình dáng mui luyện;
+ Đầm nén bằng lu hoặc thủ công.
III.Công tác bảo dưỡng công trình cầu ngầm GTNT:
Các cầu ngầm phải được thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ như quét sơn, vặn lại bu lông quang đeo, bôi mỡ, không cho xe quá tải qua cầu. Khơi thông luồng lạch, bảo đảm cho cầu, ngầm hoạt động bình thường.
IV. Công tác nghiệm thu, đáng giá kết quả thực hiện:
Công tác bảo dưỡng nền đường, mặt đường cần được nghiệm thu theo định kỳ tháng, quý và được đánh gía bằng việc chấm điểm kỹ thuật để xác định tuyến đường đã được bảo dưỡng, duy tu, khai thác ở mức độ tốt, trung bình, xấu theo quy định đã hướng dẫn.
Phần IV
CÔNG TÁC ĐẢM BẢO GIAO THÔNG TRONG MÙA MƯA LŨ
Công tác bảo đảm giao thông nhằm nhanh chóng khôi phục lại giao thông khi cầu, đường bị hư hỏng do mưa, lũ, thiên tai hoặc sự cố đặc biệt như sập đổ cầu, sụt lở đường.
Ở đây chỉ nêu những vấn đề chủ yếu về công tác bảo đảm giao thông trong mùa bão lũ. Mùa bão lũ trên địa bàn xảy ra từ 4 tháng đến 9 tháng trong một năm.
1. Nội dung công tác đảm bảo giao thông:
- Cần xác định những con đường nào, những công trình cầu cống, kè ngầm nào thường bị lũ đe dọa phá hoại; Xác định các biện pháp kỹ thuật xử lý như phân luồng đường, làm đường tránh, các biện pháp khôi phục giao thông; sửa chữa công trình, kiểm tra các tuyến đường, chuẩn bị vật tư dự phòng;
- Phân công lực lượng chốt giữ đảm bảo giao thông, phương án huy động nhận lực, vật tư khi cầu bị hư hỏng;
- Lập danh sách ban chỉ huy đảm bảo giao thông và danh sách các lực lượng tham gia đảm bảo giao thông;
- Tổ chức lực lượng thông tin liên lạc từ khối, bản, xã lên huyện thị hoặc tỉnh.
2. Những công tác tiến hành trước mùa mưa lũ:
- Đối với đường: Tiến hành khơi mương rãnh thoát nước, pháp dọn cây cỏ, cắt tỉa cành cây để tránh gió bão làm đổ cây, trồng lại cọc tiêu, biển báo, cột thủy chí (Đối với đường ngập tràn) bị hư hỏng hoặc bổ xung những nơi còn thiếu, sửa chữa gia cố những mặt đường bị suy yếu, trơn lầy;
- Đối với công trình: Thanh thải các trướng ngại vật dưới ngầm cầu, các đường ngầm, đường tràn, vét bùn thông các lỗ cống và hố tiêu năng, thông lỗ thoát nước các cầu bê tông; kiểm tra và gia cố các kè, phà, đập, nắn dòng xung yếu;
- Chuẩn bị một số vật liệu dự phòng cần thiết để khi xảy ra sự cố có thể kịp thời khôi phục giao thông.
- Cần chủ động phòng chống bão lũ với phương châm: chủ động phòng tránh , ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả.
3. Những điều cần chú ý trong mùa lũ bão:
- Trong mùa bão lũ, cán bộ giao thông xã phải thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết qua đài, báo, các chỉ thị của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp để kịp thời đối phó khi có bão lũ xảy ra.
- Khi xảy ra ách tắc giao thông do hư hỏng cầu đường phải nhanh chóng triển khai việc phân luồng xe như phương án và dự kiến. Huy động lực lượng để nhanh chóng hàn gắn giao thông.
- Đối với những đoạn đường bị ngập, nếu còn có thể cho xe đi qua lại được thì phải cắm vè hai bên đường để hướng cho xe đi đúng tim đường. Những đường không cho xe chạy được phải kịp thời có rào chắn ở hai đầu đoạn đường bị ngập và có biển báo cấm xe đi lại;
- Đối với những cầu cống bị mưa lũ phá hoại mà chưa có khả năng khôi phục những đường ngầm, đường tràn, có mức nước cao hơn quy định không đảm bảo cho xe qua lại an toàn thì cũng phải có rào chắn, cấm người và xe qua lại;
- Với những ngày có mưa lũ lớn, có gió bão từ cấp 6 trở lên thì không cho người và phương tiện qua lại các cầu treo, cầu cáp, đò, phà..
4. Khắc phục hậu quả sau lũ bão:
- Sau mỗi trận bão, lũ nếu có thiệt hại lớn về cầu, đường cán bộ giao thông xã phải kịp thời báo cáo lên cấp trên, đồng thời xin chỉ thị để khôi phục giao thông.
- Thực hiện 4 tại chỗ để khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Bước đầu giải quyết thông xe tạm, sau đó tiếp tục củng cố và khôi phục lại tình trạng ban đầu.
- Cuối mùa bão lũ, lập báo cáo tổng kết gửi cho cấp trên và UBND địa phương theo hướng dẫn.
Phần V
NỘI DUNG CHỦ YẾU TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, KHAI THÁC, BẢO DƯỠNG CÁC TUYẾN ĐƯỜNG
I. Nội dung chủ yếu trong công tác quản lý, khai thác, bảo dưỡng các tuyến đường sau khi được xây dựng hoàn thành:
1. Có biện pháp cụ thể để quản lý hành lang an toàn giao thông và mốc lộ giới theo quy hoạch đã được công bố.
2. Có giải pháp hữu hiệu để quản lý xe bánh xích, xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đường và qua các cầu, ngầm, đặc biệt là một số cầu yếu và các cầu treo trên tuyến đường đến trung tâm xã, đến thôn bản.
- Rà soát việc cắm các biển báo hạn chế tải trọng. Căn cứ hồ sơ thiết kế để cắm biển báo hiệu “hạn chế trọng lượng trên trục xe” lưu thông trên đường và “hạn chế trọng lượng xe” khi qua cầu.
-Triển khai tốt công tác bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, đảm bảo giao thông thông suốt. Thực hiện đầy đủ việc cấp, thu hồi giấy phép thi công đối với các tổ chức cá nhân thi công công trình trên tuyến đường đang khai thác.
II. Yêu cầu về công tác quản lý giữ gìn đường.
1. Công tác quản lý và giữ gìn đường bao gồm: Quản lý và giữ gìn nền đường; mặt đường; cầu, cống và các công trình khác trên đường.
2. Công tác quản lý, giữ gìn nền đường.
- Không đào đường hoặc be bờ để tát nước qua đường.
- Giữ gìn mái dốc nền đường, không đào bới trồng cây trên mái dốc làm sụt lở nền đường.
- Thường xuyên nạo vét rãnh dọc cho nước thoát nhanh.
3. Công tác quản lý giữ gìn mặt đường:
- Thường xuyên bù phụ mặt đường, đảm bảo cho mặt đường bằng phẳng, tuyệt đối không để nước đọng trên mặt đường.
- Khi trên mặt đường xuất hiện ổ gà phải tiến hành vá ngay.
- Luôn đảm bảo cho mặt đường và lề đường có độ dốc ngang về hai phía như đã quy định.
4. Công tác quản lý giữ gìn cầu, cống:
- Thường xuyên làm về sinh mặt cầu, tránh để bùn rác, nước đọng trên mặt cầu (đặc biệt đối với cầu thép).
- Thường xuyên kiểm tra phát hiện các hiện tượng nứt, xói lở ở chân mố, trụ cầu.
- Đối với cầu cáp, cầu treo phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi biến dạng của hệ cáp và hố neo, phải bôi dầu mỡ định kỳ.
- Thường xuyên kiểm tra, nạo vét cống, loại bỏ các vật cản ở hai đầu cống (như bè rau, bèo, rác…) đặc biệt là về mùa mưa.
5.Tuyên truyền để mọi người thực hiện tốt các hành vi nghiêm cấm sau đây:
- Đào khoan, xẻ đường trái phép.
- Mở đường nhánh nối vào đường chính trái phép.
- Đặt chướng ngại vật trên đường gây cản trở giao thông.
- Thả rông, chăn dắt xúc vật trên mặt đường, mái đường, buộc xúc vật vào hàng cây hai bên đường hoặc vào cọc tiêu, biển báo, công trình phụ trợ khác của đường bộ.
- Khai thác trái phép cát, đá, sỏi hoặc các hành vi khác làm ảnh hưởng tới an toàn công trình đường bộ.
- Đào phá, đốt lửa, nổ mìn, neo buộc tàu thuyền hoặc gây ảnh hưởng đến an toàn cầu.
- Tự ý leo trèo lên mố, trụ và dầm cầu.
- Lấn, chiếm đất hành lang an toàn đường bộ dưới bất kỳ hình thức nào.
- Các hành vi gây ảnh hưởng đến an toàn công trình và an toàn giao thông đường bộ.
III. Trách nhiệm của UBND xã, thị trấn:
1.Tổ chức quản lý, xây dựng, khai thác, bảo vệ, quản lý xe quá tải, quá khổ, sửa chữa và bảo dưỡng hệ thống đường xã, các cầu, ngầm và đường bộ khác được giao trên địa bàn, đảm bảo chất lượng và an toàn lao động; thực hiện trực tiếp việc hợp đồng, kiểm tra, nghiệm thu khối lượng, chất lượng, thanh, quyết toán công khai kinh phí hỗ trợ và nguồn lực huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân trong việc xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống đường xã, các cầu, ngầm giao thông nông thôn trên địa bàn xã. Bố trí cán bộ có hiểu biết về giao thông vận tải, đã qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành, để giúp Uỷ ban nhân dân xã quản lý nhà nước về giao thông vận tải ở xã và chịu sự chỉ đạo của cơ quan chuyên ngành cấp trên.
2. Phát động thi đua, kết hợp tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia xây dựng, phát triển và bảo dưỡng hệ thống đường giao thông nông thôn. Phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho hệ thống đường giao thông nông thôn, về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
3. Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn hệ thống đường giao thông nông thôn theo quy định của pháp luật; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn hệ thống đường giao thông nông thôn.
4. Huy động lực lượng, vật tư, phương tiện và các nguồn lực khác hỗ trợ để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục và đảm bảo giao thông khi bị thiên tai, địch hoạ.
5. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn cấp xã quản lý theo quy định của pháp luật.
6. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các Trưởng khối, bản có trách nhiệm quản lý cầu, đường giao thông nông thôn thuộc địa phận của khối, bản mình.
IV. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan:
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ hệ thống đường giao thông nông thôn; tham gia ứng cứu bảo vệ hệ thống đường giao thông nông thôn. Khi phát hiện công trình bị hư hỏng hoặc bị xâm hại, hành lang an toàn đường bộ bị lấn chiếm, phải kịp thời báo cho chính quyền địa phương, cơ quan quản lý hệ thống đường giao thông nông thôn hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý; trong trường hợp cần thiết, có biện pháp báo ngay cho người tham gia giao thông biết.
2. Khi nhận được tin báo, cơ quan có trách nhiệm phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.
3.Tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ hệ thống đường giao thông nông thôn trong phạm vi địa phương. Kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ hệ thống đường giao thông nông thôn theo thẩm quyền.
KS. Nguyễn Văn Bách